Việt Nam thắt chặt hoạt động khai thác hải sản trái phép (29-03-2018)

Kể từ tháng 10/2017 khi Liên minh châu Âu (EU) rút thẻ vàng đối với Việt Nam vì tình trạng đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (trong thời hạn 6 tháng nếu hoạt động nghề cá của Việt Nam không chuyển biến tích cực, EU sẽ áp dụng hình thức xử phạt mạnh hơn), đến nay Việt Nam đang triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý, thắt chặt hoạt động khai thác hải sản trên biển.
Việt Nam thắt chặt hoạt động khai thác hải sản trái phép
Ảnh minh họa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết việc tháo gỡ "thẻ vàng" đang được đẩy mạnh bằng việc phối hợp với các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển. Nhìn chung, nhận thức của ngư dân đã thay đổi rõ rệt. Nhiều địa phương đang thực hiện tốt việc quản lý, thắt chặt hoạt động khai thác hải sản trái phép:

Tỉnh Bình Thuận đã công bố kiên quyết chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài trái phép trước ngày 30/4/2018. Để thực hiện điều này, tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức kiểm điểm, phê phán các chủ tàu và thuyền trưởng vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp trước cộng đồng ngư dân địa phương, công khai danh sách tàu cá vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, bắt buộc các tàu khai thác xa bờ phải trang bị đủ 100% máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị hệ thống định vị vệ tinh (GPS) để giám sát hành trình trên biển.

Tỉnh Phú Yên tích cực kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá và ngư trường trên địa bàn nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp. Theo đó, các tàu cá trước khi xuất bến, nhập bến lên cá đều được cơ quan chức năng kiểm tra. Đối với hai cảng cá lớn của tỉnh là Đông Tác và Phú Lạc, 100% tàu cá khi cập bến, chủ tàu phải khai báo nguồn gốc khai thác. Đối với tàu rời bến, 100% tàu cá được kiểm tra hồ sơ giấy tờ và kiểm tra thực tế khi xuất bến, đặc biệt chú trọng các tàu lưới kéo, tàu có dấu hiệu nghi ngờ đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Hiện tỉnh Phú Yên có hơn 1.000 tàu cá đánh bắt xa bờ. Trong đó, chủ yếu là khai thác cá ngừ đại dương. Do mải theo luồng cá nên một số tàu của Phú Yên đã vi phạm vùng biển nước ngoài. Phú Yên đã áp dụng giải pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng này: Tăng cường quản lý giám sát tàu cá xa bờ thông qua hệ thống thông tin liên lạc bằng sóng HF tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh; Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức đưa tàu ra vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng để giáo dục, phổ biến pháp luật đến ngư dân; Yêu cầu các chủ tàu phải ký Cam kết mới được ra khơi - đó là Cam kết được chủ tàu ký với Bộ đội Biên phòng và Chi cục Quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản về việc không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tại Bình Định, chủ tàu cá cũng phải ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình khai thác thì mới được phép ra khơi. Hiện tại, ba cảng cá lớn của Bình Định là Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan Bắc, lực lượng biên phòng đang đẩy mạnh việc tuyên truyền để các chủ tàu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Tại huyện Phù Cát, đã có gần 200 chủ tàu ký cam kết này; huyện Hoài Nhơn còn thành lập các câu lạc bộ ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Biện pháp kinh tế - Không thu mua hải sản khai thác bất hợp pháp

Việt Nam đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm sớm đạt được kết quả Ủy ban châu Âu gỡ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó có việc tăng cường kiểm soát khai thác bất hợp pháp thông qua khâu thu mua của các doanh nghiệp. Đây là sự ràng buộc khiến ngư dân khai thác cá ngừ đại dương ở các tỉnh Nam Trung Bộ không vi phạm đánh bắt bất hợp pháp. 

Cá ngừ đại dương được kéo lên khỏi khoang tàu, chuyển đến nơi thu mua, kiểm tra chất lượng, xác định số cân từng con… là việc lâu nay các doanh nghiệp thu mua vẫn làm, nhưng bây giờ trước khi thực hiện những việc thu mua thông thường này thì điều đầu tiên các doanh nghiệp phải xác định rằng chỗ cá đó có được khai thác trên các chuyến biển không vi phạm đánh bắt bất hợp pháp? Ngư dân chứng minh bằng chính Nhật ký khai thác.

Hiện tại, các doanh nghiệp thu mua cá ngừ đại dương ở các tỉnh Nam Trung Bộ đều rất quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc hải sản. Lý do đơn giản: cá ngừ đại dương chủ yếu để xuất khẩu, mà để xuất khẩu thì phải đáp ứng những yêu cầu về khai thác hợp pháp. Đồng nghĩa với biện pháp áp dụng này sẽ là: Không thu mua cá ngừ đại dương nếu cá được khai thác bất hợp pháp. Đây sẽ là biện pháp mạnh - đánh thẳng vào kinh tế, vì với ngư dân điều sợ nhất là không bán được cá khi chi phí chuyến biển lên tới cả trăm triệu đồng. 

Vậy là từ chỗ không thực sự quan tâm, lúc này, tất cả ngư dân đều phải tuân thủ quy định để không vi phạm khai thác bất hợp pháp. Lịch trình của chuyến biển, vùng biển khai thác được ngư dân ghi chép cẩn thận trong Nhật ký khai thác. Tính xác thực của Nhật ký khai thác được cơ quan chức năng kiểm chứng thông qua thiết bị định vị vệ tinh lắp trên tàu cá.

Đến ngày 23/4/2018, nghĩa là chưa đầy một tháng nữa, Việt Nam phải triển khai đầy đủ toàn bộ các quy định của Liên minh châu Âu thì tình trạng cảnh báo thẻ vàng mới được gỡ bỏ. Việc ngư dân cam kết đánh bắt hợp pháp, về phía doanh nghiệp thì từ chối thu mua hải sản khai thác bất hợp pháp chính là vì quyền lợi của ngư dân và doanh nghiệp Việt Nam. 

Hy vọng là với những nỗ lực từ phía chính quyền và người dân Việt Nam, trong thời gian tới, số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ giảm mạnh. Tiến tới, thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn các hoạt động  khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Đồng thời, Việt Nam tiếp tục thay đổi, hướng đến mục tiêu Nghề cá có trách nhiệm.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác