Các nước Địa Trung Hải tìm kiếm nguồn cung thủy sản (26-05-2017)

Theo một báo cáo vừa được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF công bố, các nước Địa Trung Hải thuộc châu Âu hiện đang nhập khẩu gần gấp đôi lượng thủy sản họ sản xuất.
Các nước Địa Trung Hải tìm kiếm nguồn cung thủy sản
Ảnh minh họa

Nhu cầu gia tăng trong nhiều thập niên, cùng với việc giảm trữ lượng thủy sản do việc sử dụng các kỹ thuật khai thác ngày càng tăng, việc giám sát sản lượng đánh bắt yếu kém, việc đánh bắt bất hợp pháp, không được kiểm soát và không báo cáo (IUU) ngày một phổ biến và nhiều yếu tố môi trường đã góp phần giảm năng suất thủy sản từ Biển Địa Trung Hải.

Đối với cư dân địa phương và khách du lịch đổ xô đến khu vực, thủy sản tươi địa phương là một phần trải nghiệm Địa Trung Hải cũng như những bãi biển vàng và khí hậu đầy nắng. Các cộng đồng ngư dân thủ công, các chợ cá, nhà hàng hải sản và di sản biển đều là trung tâm của bản sắc kinh tế, xã hội và văn hoá độc đáo của khu vực.

Báo cáo “WWF Thủy sản và Địa Trung Hải năm 2017” cho thấy hình ảnh lý tưởng hóa không còn phù hợp với thực tế tình hình ở Địa Trung Hải, nơi có hơn 93% lượng thủy sản được đánh giá bị đe dọa bởi tình trạng đánh bắt quá mức.

Các sản phẩm khai thác lớn nhất trong khu vực bao gồm cá mòi và cá cơm (42%), các loài thủy sản tầng đáy (21%), cá ăn thịt (8%), giáp xác (7%), nhuyễn thể và loài hai mảnh vỏ (6%), cá ngừ và cá kiếm (5%).

Các quốc gia Địa Trung Hải ở châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Ý, Slovenia và Croatia giờ đây tiêu thụ sản lượng đánh bắt từ vùng biển Đại Tây Dương gấp ba lần sản lượng đánh bắt từ vùng Địa Trung Hải. Đối với mỗi kilôgam thủy sản các quốc gia này đánh bắt, có hai kilôgam khác được nhập khẩu, phần lớn là từ các nước đang phát triển bao gồm Ma-rốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mauritania, Tunisia, Ai Cập, Algeria và Libya. Sản phẩm thủy sản cũng được xuất khẩu sang các nước này, đặc biệt là các sản phẩm chế biến và đóng hộp giá rẻ, bột cá và mồi câu.

Các quốc gia Địa Trung Hải thuộc Châu Âu nằm trong số những nước tiêu dùng thủy sản cao nhất thế giới, với mức tiêu thụ bình quân hàng năm là 33,4 kg/người so với mức trung bình của EU là 22,9 kg và mức trung bình toàn cầu là 19,2 kg. Thật thú vị, báo cáo bao gồm Bồ Đào Nha trong các tính toán của nó, mặc dù bờ biển của nước này bắt đầu ngay bên ngoài Địa Trung Hải. Bồ Đào Nha có mức tiêu thụ thủy sản hàng năm cao nhất, ở mức 56,8 kg/người, tiếp theo là Tây Ban Nha 42,4 kg.

Chi tiêu hàng năm của khu vực đối với các sản phẩm cá và thủy sản trong năm 2014 là hơn 34,57 tỷ EUR (38,88 tỷ đô la), chiếm 63% tổng số chi tiêu của EU cho các sản phẩm này. Tây Ban Nha, Ý và Pháp chiếm hơn một nửa chi tiêu, mặc dù các nước này chỉ chiếm khoảng một phần ba dân số của EU.

Báo cáo chỉ ra rằng trong số 7,5 triệu tấn thủy sản tiêu thụ hàng năm của các nước Đông Địa Trung Hải, chỉ có 2,75 triệu tấn có nguồn gốc trong nước, điều này cho thấy nguồn cung trong nước thiếu hụt 5 triệu tấn. Điều thú vị là sản lượng đánh bắt trong nước đáp ứng 100% thị trường cá ngừ và cá cơm, cùng với 96% các loài cá đáy. Tuy nhiên, nhập khẩu phải chiếm tới 82% nhu cầu động vật thân mềm như bạch tuộc và mực, 72% đối với động vật giáp xác, 75% đối với cá ngừ và 32% đối với nhuyễn thể và hai mảnh vỏ.

WWF đã đưa ra báo cáo tại Slow Fish 2017, diễn ra tại Genoa, Ý tuần trước, nơi mà các đại diện của tổ chức phi lợi nhuận đã nói về nhu cầu cấp bách trong việc bảo vệ các nguồn lợi thủy sản ở Địa Trung Hải, đảm bảo tương lai biển bền vững hơn và tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản .

Nuôi trồng thuỷ sản hiện đang tạo ra khoảng một phần ba tổng khối lượng thủy sản đánh bắt ở khu vực Địa Trung Hải thuộc châu Âu. Tại Hy Lạp và Ý, nuôi trồng thuỷ sản vượt quá đánh bắt tự nhiên, một tình trạng phản ánh tình hình toàn cầu, với hơn một nửa số loài thủy sản tiêu thụ là từ nuôi trồng thuỷ sản.

Báo cáo nêu ra các bước có thể thực hiện để đảo ngược thiệt hại, bao gồm sự hợp tác tốt hơn giữa các quốc gia về các phương pháp đánh bắt bền vững để bảo vệ các loài thủy sản con và tăng cường chứng nhận bền vững như Hội đồng Quản lý Biển (MSC). Nó cũng khuyến khích người tiêu dùng Địa Trung Hải thuộc châu Âu thử các loài khác nhau, và ngư dân cùng hợp tác để tiếp thị chúng để thu hút các tác nhân địa phương, đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ, đánh bắt thủ công và bền vững.

Bản báo cáo viết: “Về vấn đề truyền thông, người tiêu dùng có thông tin sẽ đóng góp tích cực tạo nên các kết quả tốt hơn. Nếu họ biết họ thực sự ăn gì, các loài thủy sản đánh bắt như thế nào, nguồn gốc xuất xứ của thủy sản, việc đánh bắt thủy sản đó có tác động gì, thì các yếu tố xã hội và môi trường trở nên quan trọng hơn trong việc đưa ra các quyết định mua thủy sản. Việc ghi nhãn phải đầy đủ và chính xác, vì vậy người tiêu dùng có thể hiểu và tin tưởng những gì họ được thông tin”.

Bản Hướng dẫn hải sản bền vững trực tuyến đa ngôn ngữ của WWF cung cấp thông tin về mua hải sản ở 12 nước châu Âu và đánh giá nó bằng hệ thống như đèn giao thông để giúp người mua sắm thực hiện các lựa chọn có thông tin.

Nếu người mua cần thuyết phục hơn để thay đổi thói quen ăn uống của họ, bản hướng dẫn cũng có các công thức nấu ăn từ các đầu bếp nổi tiếng để truyền cảm hứng cho họ thử một cái gì đó mới.

HNN (Theo seafoodsource)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác