Vĩnh Long: Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (05-04-2017)

Vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên địa bàn tỉnh năm 2017.
Vĩnh Long: Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Ảnh minh họa

Theo dự báo, tình hình thời tiết trong năm 2017 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác. Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện sớm trên biển Đông và số lượng hoạt động có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng đầu mùa mưa bão và tập trung ở khu vực Bắc Biển Đông.

Để chủ động ứng phó kịp thời và có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ thị Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTT và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTT; thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình thiên tai, chủ động triển khai các giải pháp thực hiện kế hoạch PCTT đã được phê duyệt hoặc điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN năm 2017 đến các cấp, các ngành, phân công trách nhiệm cho từng thành viên phụ trách địa bàn và lĩnh vực cụ thể; công khai số điện thoại của Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đến người dân biết và báo tin khi cần thiết.

Bên cạnh đó, kiện toàn mạng lưới thông tin liên lạc, vận hành tốt hệ thống tin nhắn PCTT (SMS) trong công tác thông tin, cảnh báo, khuyến cáo, chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai từ Ban chỉ huy PCTT và TKCN đến huyện, xã. Xây dựng kế hoạch, phương án PCTT và TKCN theo quy định của Luật PCTT và các văn bản hướng dẫn. Phổ biến kiến thức, mở các lớp tập huấn về “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” và kỹ năng, kinh nghiệm, biện pháp phòng, tránh thiên tai, trách nhiệm và nghĩa vụ trong phòng, chống thiên tai đến mọi tầng lớp nhân dân. Rà soát, cập nhật, xác định những vùng nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, ngập lụt, lốc xoáy… để xây dựng phương án cụ thể trong ứng phó, di dời người dân trong trường hợp khẩn cấp. Rà soát công tác ứng phó với thiên tai, kiểm tra nhân lực, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện có hiệu quả phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo an toàn về người và tài sản trong phòng, tránh thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban hạn hán, xâm nhập mặn (thời gian bắt đầu trực từ ngày 01/02/2017 đến ngày 31/5/2017). Trực ban trong mùa mưa, lũ (thời gian bắt đầu trực từ ngày 01/6/2017 đến ngày 31/12/2017). Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch, khai thác cát sông gây sạt lở, làm tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước tự nhiên trên địa bàn, phạm vi quản lý.

Sở NN và PTNT tỉnh (Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) chỉ đạo các địa phương có kế hoạch sản xuất nông nghiệp hợp lý; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ, bảo vệ sản xuất ở các vùng thường xuyên bị thiên tai; có kế hoạch bảo vệ lồng, bè, ao hồ; kế hoạch nuôi trồng, thu hoạch thủy sản hợp lý để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; dự trữ lúa giống, hạt giống hoa màu trong từng hộ dân để chủ động sản xuất khi có thời tiết bất thường xảy ra đảm bảo phát triển ổn định cho cây trồng và vật nuôi.

Ngọc Hà

Ý kiến bạn đọc

Tin khác