Thị trường EU bị mở rộng cho thủy sản khai thác bất hợp pháp do kiểm soát biên giới không chặt chẽ (05-04-2017)

Theo một báo cáo mới đây của bốn tổ chức môi trường gồm Quỹ Công lý Môi trường, Oceana, Pew Charitable Trusts và Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), việc kiểm soát hàng nhập khẩu không thống nhất trong các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đang cho phép hải sản bị khai thác bất hợp pháp nhập vào các chuỗi cung ứng của khối này.
Thị trường EU bị mở rộng cho thủy sản khai thác bất hợp pháp do kiểm soát biên giới không chặt chẽ
Ảnh minh họa

Báo cáo của các Tổ chức Phi chính phủ (NGOs), có tên “Phân tích, Quy định của EU về Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU): Thực hiện kiểm soát nhập khẩu hải sản của EU”, đánh giá tiến độ của các quốc gia trong việc thực hiện kiểm soát nhập khẩu theo Quy định của EU nhằm chống lại các hoạt động khai thác thủy sản IUU - quy định này có hiệu lực năm 2010 – cho giai đoạn báo cáo hai năm gần nhất 2014 – 2015.

Phân tích này được dựa trên thông tin trong các báo cáo 2 năm một lần của 28 quốc gia thành viên về việc thực hiện các nghĩa vụ chủ yếu theo Quy định về Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của EU trong giai đoạn 2010-2015.

Các kết quả chính bao gồm những khác biệt đáng kể về tần suất và tính nghiêm ngặt của việc kiểm tra và xác minh giấy chứng nhận sản lượng khai thác thủy sản, và về chất lượng thủ tục đánh giá rủi ro để nhận biết các lô hàng có độ rủi ro cao. Nghiên cứu này cũng tìm ra minh chứng cho việc kiểm soát nhập khẩu không thống nhất có thể dẫn đến sự trệch hướng dòng chảy thương mại đối với các quốc gia thành viên đang áp dụng các thủ tục ít nghiêm ngặt hơn. 

Cũng có những sự khác nhau rõ rệt về thủ tục kiểm tra các lô hàng hải sản được vận chuyển bằng công-ten-nơ, lượng hàng này chiếm gần 90% tổng lượng hải sản nhập khẩu của EU. 

Báo cáo cho biết có nhiều vấn đề về cách mà các quốc gia thành viên EU đang thực hiện việc kiểm soát các lô hàng hải sản nhập khẩu. Báo cáo cũng chỉ trích các cơ quan có thẩm quyền ở một số quốc gia nhập khẩu về việc không kiểm tra chặt chẽ các lô hàng thậm chí đến từ các nước mà EU đã cảnh báo có sử dụng những phương pháp không phù hợp nhằm ngăn chặn việc khai thác bất hợp pháp.

Nghiên cứu này kêu gọi các thủ tục nghiêm ngặt và thống nhất hơn, cũng như việc số hóa thông tin giấy phép khai thác trong EU đến cuối năm 2017 để đảm bảo rằng những công ty khai thác hải sản không theo nguyên tắc sẽ không tìm cách đưa sản phẩm của họ qua các cảng có sự kiểm soát lỏng lẻo.

Tiến sĩ Samantha Burgess, Trưởng ban Chính sách biển - Văn phòng Chính sách Châu Âu của WWF, cho biết: “ Quy định về IUU của EU là một công cụ hiệu quả trong cuộc chiến toàn cầu chống lại hoạt động khai thác bất hợp pháp. Tuy nhiên, giấy chứng nhận sản lượng khai thác và sự không thống nhất trong việc thực thi kiểm soát nhập khẩu cần thiết đang làm cho hệ thống quy định này bị lợi dụng. Chúng tôi kêu gọi Ủy ban Châu Âu (EC) và sự hỗ trợ tích cực của các quốc gia thành viên hãy nhanh chóng công bố cơ sở dữ liệu trong phạm vi EU về chứng nhận sản lượng khai thác mà lẽ ra đã được thực hiện từ cuối năm 2016. Cơ sở dữ liệu này phải bao gồm một công cụ phân tích rủi ro”. 

Ông Steve Trent, Giám đốc điều hành Quỹ Công lý Môi trường, cho biết thêm “Nghiên cứu này là một lời kêu gọi đánh thức các quốc gia thành viên đẩy mạnh thực hiện Quy định về IUU một cách triệt để, và kêu gọi Ủy ban Châu Âu đảm bảo các nước thành viên thực hiện. Đặc biệt, chúng tôi thúc giục các quốc gia trong khối tăng cường năng lực và áp dụng các thủ tục tiêu chuẩn hóa, toàn diện nhằm đảm bảo các lô hàng bất hợp pháp sẽ bị từ chối nhập khẩu vào thị trường EU”.

EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, mua vào 60% lượng cá tiêu thụ. Nhìn chung, năm 2015 thị trường này nhập khẩu hơn 3,5 triệu tấn thủy sản từ các nước trên thế giới.

Hàng năm, hơn 250.000 chứng nhận sản lượng khai thác thủy sản được tiếp nhận qua EU, phần lớn ở dạng giấy.

Vũ Hậu (theo seafoodsource.com)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác