Theo thống kê năm 2020, giá trị kim ngạch thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang các nước Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy chỉ đạt 51,26 triệu USD (chiếm 0,7% thị phần tại khu vực này). Trong khi đó, hàng năm các nước này nhập khẩu lượng thủy sản khá lớn (khoảng 7,27 tỷ USD) và liên tục tăng qua các năm. Do vậy, Đan Mạch là một trong những thị trường còn nhiều dư địa cho thủy sản Việt Nam.
Trong năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Đan Mạch vẫn đạt 842,37 triệu USD, tăng 18% so với năm 2020. Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ năm 2021 đã mang lại tác động tích cực cho hai nước, tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Đan Mạch, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Hàng hóa của Việt Nam sẽ có cơ hội và sức cạnh tranh cao hơn ở thị trường EU nói chung và Đan Mạch nói riêng.
Đối với đầu tư, Đan Mạch tiếp tục vươn lên vị trí thứ ba trong các nước đầu tư vào Việt Nam lớn nhất từ đầu năm 2022 đến nay với 3 dự án mới có tổng vốn đăng ký đạt 1,32 tỷ USD. Hiện nay, các doanh nghiệp Đan Mạch đang rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Đan Mạch có thế mạnh như năng lượng tái tạo, nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Những dự án đầu tư gần đây của các công ty như LEGO và Pandora đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt và cam kết của các doanh nghiệp Đan Mạch tại thị trường Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Đan Mạch tại Việt Nam bày tỏ mong muốn được quay trở lại và hợp tác với Việt Nam sau khi các biện pháp phòng dịch COVID-19 phần nào được dỡ bỏ.
Xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Đan Mạch tăng 53,6%
Thương mại hai chiều Việt Nam – Đan Mạch rất khả quan trong 5 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang Đan Mạch tăng 53,6%. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đan Mạch đạt khoảng 318,53 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch đạt khoảng 227,2 triệu USD, tăng 53,6%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Đan Mạch đạt 91,33 triệu USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, trong năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Đan Mạch vẫn đạt 842,37 triệu USD, tăng 18% so với năm 2020. Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Đan Mạch gồm có: hàng dệt may, thủy sản, sản phẩm nội thất, máy móc, thiết bị... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Đan Mạch các sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, dược phẩm, hóa chất, thủy sản… Nhìn chung, quan hệ thương mại Việt Nam - Đan Mạch đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, với tổng kim ngạch thương mại song phương tăng 5,8 lần trong giai đoạn 2000-2020.
Xuất khẩu thủy sản sang Đan Mạch lập đỉnh trong tháng 5
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 5/2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Đan Mạch đạt 8,2 triệu USD, tăng 79% so với tháng 5/2021, mức cao nhất theo tháng kể từ trước đến nay. Trong đó, mặt hàng cá ngừ đông lạnh tăng trưởng mạnh ba con số.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Đan Mạch đạt 33 triệu USD, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản như tôm đông lạnh đều khả quan. Mặt hàng cá ngừ đông lạnh có tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh nhất với 240% về lượng và tăng 543% về trị giá; cá ngừ đóng hộp tăng 31% về lượng và tăng 119% về trị giá.
Tương tự, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đông lạnh sang thị trường Đan Mạch tăng 33% về lượng và tăng 39% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sò đông lạnh tăng 121% về lượng và tăng 115% về trị giá; cá tra đông lạnh tăng 2% về lượng và tăng 103% về trị giá; mực đông lạnh tăng 25% về lượng và tăng 72% về trị giá… Cơ cấu mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường Đan Mạch có nhiều thay đổi khi tỷ trọng tôm đông lạnh giảm, tỷ trọng xuất khẩu sò, cá ngừ, cá tra tăng.
Những điều cần biết về thị trường Đan Mạch
Đan Mạch là một nước công nghiệp phát triển, có nền kinh tế hiện đại, với mức sống và dịch vụ chính phủ cao. Mặc dù dân số chỉ có khoảng 5,8 triệu người, nhưng theo số liệu thống kê năm 2021, GDP Đan Mạch đạt 2496,6 tỷ DKK (354,2 tỷ USD) và thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 65.669 USD.
Là một nền kinh tế mở, Đan Mạch ủng hộ chính sách thương mại tự do. Xuất nhập khẩu chiếm gần 60% GDP. Môi trường kinh doanh của Đan Mạch được đánh giá là thân thiện, 10 năm liền được Ngân hàng Thế giới xếp hạng là nước có môi trường kinh doanh tốt nhất Châu Âu và luôn đứng trong 5 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới.
Đan Mạch không những là quốc gia duy nhất ở Bắc Âu thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam mà còn là một trong những đối tác thương mại tiềm năng của Việt Nam tại khu vực Châu Âu bởi đây là khu vực cửa ngõ nối liền phía Bắc với phần còn lại của Châu Âu. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, Đan Mạch đã thực hiện các chính sách tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), trong đó có Đan Mạch, chính thức đi vào thực thi từ tháng 8/2021 đã và đang mang lại tác động tích cực cho cả hai nước, tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Đan Mạch, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Đan Mạch ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia) xuất bản cuốn sách “Những điều cần biết về thị trường Đan Mạch” vào năm 2020 và được Thương vụ cập nhật đến hết tháng 6/2022.
Ngọc Thúy (t/h)