Bến Tre: Phát triển sản xuất trong điều kiện hạn mặn kéo dài (02-07-2024)

6 tháng đầu năm 2024, mặc dù bị ảnh hưởng của hạn mặn kéo dài nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực nông lâm thủy sản vẫn duy trì tốc độ tăng 2,68%.  
Bến Tre: Phát triển sản xuất trong điều kiện hạn mặn kéo dài
Ảnh minh họa

Theo Báo Chính phủ, tình trạng xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong những tháng đầu năm diễn ra khá phức tạp. Tuy nhiên, công tác ứng phó với xâm nhập mặn được ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, cùng với sự vận hành hiệu quả của hệ thống ngăn mặn trữ ngọt đã góp phần hạn chế sự ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển trên các vùng nuôi trọng điểm, tăng diện tích nuôi tôm công nghệ cao; hoạt động khai thác thủy hải sản tuy còn chịu nhiều tác động của giá nhiên liệu nhưng vẫn duy trì đội đánh bắt xa bờ. Tổng sản lượng thủy sản trong 6 tháng đầu năm ước đạt 269.661 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (1,31%).

Tình hình nuôi cá tra tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá cả đầu ra ở mức thấp trong thời gian dài (trong khi chi phí nuôi thì ngày càng tăng), sản lượng cá tra thâm canh ước đạt 54.779 tấn, giảm 1,16% so cùng kỳ năm trước. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm biển công nghệ cao tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan.

Theo Báo Đồng Khởi, tỉnh Bến Tre đã vận động, hỗ trợ phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; thực hiện tốt kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), Chương trình phát triển thủy sản và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực… Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Tính đến cuối tháng 5/2024, toàn tỉnh có 25.500ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương (trong đó, thủy sản là 5.529ha). Thực hiện xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Tổng diện tích thả nuôi 6 tháng đầu năm ước đạt 39.377ha, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thu hoạch đạt 148.160 tấn, tăng 6,44% so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh có 67 tổ hợp tác, 78  hợp tác xã, 04 tổ liên kết tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan.

Nỗ lực vượt qua hạn mặn

Năm 2024, nắng nóng xuất hiện sớm. Số ngày nắng nóng nhiều hơn trung bình nhiều năm. Đợt nắng nóng năm 2024 kéo dài nhất 20 ngày (từ 15-4 đến 4-5-2024), vượt đợt nắng nóng kéo dài nhất trong lịch sử 3 ngày (năm 2023 là 17 ngày). Tình trạng nắng nóng kéo dài, với nền nhiệt độ cao làm cho nguồn nước trữ bị bốc hơi mạnh. Đồng thời, nguồn nước mặt trên các sông cũng bị thiếu hụt, bị nhiễm mặn do tình trạng xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài hơn trung bình nhiều năm (2012-2023).

Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Qua đó, kịp thời thông tin đến người dân cũng như tham mưu, đề xuất giải pháp phòng chống, ứng phó phù hợp. Đến thời điểm này, hạn mặn có ảnh hưởng đến đàn vật nuôi, tuy nhiên, mức độ thiệt hại không đáng kể (nuôi trồng thủy sản ghi nhận thiệt hại đối với tôm càng xanh của 42 hộ nuôi tại xã Thạnh Phong là 58,9ha; sản lượng thiệt hại khoảng 10,8 tấn).

Giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm

Với diện tích nuôi thủy sản tiềm năng hơn 50.000ha, đã khai thác đưa vào sử dụng trên 47.800ha tập trung vào 5 đối tượng nuôi chủ yếu: tôm chân trắng, tôm sú, cá tra, nghêu và tôm càng xanh. Hiện nay, ngành đang phát triển hình thức nuôi tôm công nghệ cao, với diện tích ban đầu từ 550ha năm 2018, đến nay toàn tỉnh ước đạt 3.430ha. Năng suất bình quân từ 60 - 70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/vụ nuôi. Mô hình này được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024, ngành Nông nghiệp Bến Tre gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Ảnh hưởng kinh tế thế giới và cơ chế thị trường, giá thành sản phẩm thấp trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào (thức ăn, thuốc, hóa chất, nhiên liệu...) tăng hàng năm nên lợi nhuận không cao, ảnh hưởng đến việc tái sản xuất của người dân. Công tác đăng ký đối tượng nuôi chủ lực cũng gặp nhiều khó khăn do không đúng mục đích sử dụng đất; công tác cấp giấy phép đăng ký lồng bè còn vướng về thủ tục thuê mặt nước; chính sách cho vay vốn để nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao chưa được mở rộng. Nguồn nước hàng năm bị nhiễm mặn vào các tháng mùa khô.

6 tháng cuối năm, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, thực hiện hiệu quả các chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng, thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh các ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, các giải pháp về liên kết, thị trường,... để tạo giá trị gia tăng; phát triển sản xuất gắn chặt với xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, tập trung hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp kỹ thuật phục hồi sản xuất sau ảnh hưởng của hạn mặn. Thực hiện tốt các giải pháp phòng trừ dịch bệnh. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Tiếp tục công tác xây dựng nông thôn mới và tập trung thực hiện các nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp năm 2024.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác