Vào cuối tháng 3 năm 2024, Bộ Thủy sản và Đại dương Canada (Department of Fisheries and Oceans - DFO) thông báo rằng họ đã đặt hạn ngạch cua tuyết năm 2024 cho Newfoundland và Labrador là 57.568 tấn, tăng 5,2% so với hạn ngạch năm 2023. Tuy nhiên, hạn ngạch ở phía Nam Vịnh St. Lawrence đã giảm gần 27% (đã công bố trong tháng 2). Do đó, hạn ngạch kết hợp đã giảm 6.776 tấn so với hạn ngạch 35.744 tấn vào năm 2023. Nói cách khác, trong năm 2024 sẽ có ít cua tuyết hơn từ nhà cung cấp Canada.
Những người đánh bắt cua tuyết Canada ở Vịnh St. Lawrence đã kết thúc mùa đánh bắt của họ vào cuối tháng 5. Tính đến giữa tháng 5, họ đã đánh bắt được 21.290 tấn tương đương với 91% hạn ngạch 23.438 tấn của năm 2024. Mùa đánh bắt năm nay đã bắt đầu vào ngày 1 tháng 4 và tiếp tục cho đến ngày 30 tháng 6.
Tại Hoa Kỳ, ngoài khơi bờ biển Alaska, nghề đánh bắt cua Dungeness ở quận phía Bắc của Biển Bering đã mở cửa từ ngày 1 tháng 5 và kéo dài đến giữa tháng 10. Khoảng 15 tàu đã đăng ký đánh bắt nhưng không chắc chắn liệu tất cả những tàu này có tích cực khai thác thủy sản hay không. Hơn nữa, sản lượng đánh bắt dự kiến sẽ tương đối ít và giá thấp. Năm 2023, tổng cộng 1,6 triệu pound (726 tấn) đã được cập cảng tại Biển Bering, với giá tại tàu chỉ là 1,80–2,00 đô la Mỹ cho một pound.
Mặc dù vụ thu hoạch cua Dungeness ở Alaska có thể đáng thất vọng, nhưng tổng sản lượng khai thác cùng với ba tiểu bang khác của Hoa Kỳ là Washington, Oregon và California - lại tốt hơn. Bốn tiểu bang này đã đưa sản lượng cập cảng tổng cộng 25.936 tấn, trị giá 214,9 triệu đô la Mỹ (trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 11 năm 2023 đến ngày 21 tháng 5 năm 2024) với hầu hết các vụ khai thác chủ yếu diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2023 đến tháng 3 năm 2024. Con số này đã thể hiện sự sụt giảm 28% so với sản lượng khai thác trong mùa 2022–2023, nhưng do giá cao hơn nên giá trị giảm không đáng kể (chỉ là -1%).
Năm 2024, sau những biến động về giá thì giá cua bán tại bến cảng đã tăng lên. Cụ thể là trước đó, vào tháng 11 năm 2023, giá cua 5,48 đô la Mỹ một pound, sau giảm xuống còn 2,82 đô la Mỹ một pound vào tháng 12, rồi tăng lên 5,90 đô la Mỹ một pound vào tháng 4 năm 2024.
Chính quyền Na Uy đã công bố vào cuối năm 2023 rằng hạn ngạch cua hoàng đế cho năm 2024 sẽ bị cắt giảm 60% xuống còn 1.026 tấn. Ngay sau đó, nguồn cung từ Na Uy giảm mạnh và giá cả tăng vọt, duy trì mức cao khi nghề cá này được mở cửa trở lại vào ngày 1 tháng 5 năm 2024 (sau hai tháng đóng cửa vào tháng 3 và tháng 4 năm 2024).
Vào tháng 4, Hội đồng quản lý biển (MSC) thông báo rằng nghề cua tuyết Na Uy đã được cấp chứng nhận quốc tế sau khi được Tổ chức Chứng nhận “Global Trust Certification” (một tổ chức chứng nhận độc lập) xem xét, đánh giá và công nhận. Nghề cua tuyết Na Uy đã được đánh giá theo các tiêu chí của MSC liên quan đến các tiêu chí như: trữ lượng nguồn lợi thủy sản, tác động của hoạt động khai thác đến hệ sinh thái, hiệu quả của hoạt động quản lý nghề cá. Theo MSC, sẽ có khoảng 10.000 tấn cua tuyết Na Uy được chứng nhận.
Thương mại quốc tế
Giá cua hoàng đế tại Na Uy đã giảm vào cuối năm 2023 cho đến khoảng đầu năm 2024 nhưng sau đó bắt đầu tăng khá mạnh cho đến giữa tháng 6 năm nay rồi đột nhiên ngừng tăng. Các thương nhân đổ lỗi cho sự thay đổi này là do sự cạnh tranh từ Liên bang Nga. Cua Nga đã bị cấm xuất khẩu sang Châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc và các nước Châu Á khác vẫn có thể tiếp cận cua của Nga, được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá cua hoàng đế Na Uy. Giá bán buôn cua tuyết Newfoundland đã giảm xuống mức 6,10 - 6,30 đô la Mỹ một pound. Lý do chính dường như là do cung cao hơn cầu.
Nhìn chung, không có nhiều thay đổi về khối lượng thương mại quốc tế trong quý đầu tiên của năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. Tổng lượng cua nhập khẩu đạt 96.264 tấn, chỉ thấp hơn 0,7% so với năm 2023. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc, vẫn tiếp tục tăng trưởng; nhập khẩu tăng 17,5% trong giai đoạn này, lên 30.634 tấn. Các nước nhập khẩu lớn thứ hai và thứ ba (Hoa Kỳ và Hàn Quốc) lần lượt giảm 9,6% (xuống 13.657 tấn) và giảm 13,0% (xuống 12.616 tấn). Ngược lại, Nhật Bản đã nhập khẩu nhiều hơn 30% trong quý đầu tiên của năm 2024 so với quý đầu tiên của năm 2023 và đạt mức 7.470 tấn.
Lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm từ Liên bang Nga đã dẫn đến việc chuyển hướng cua Nga sang Trung Quốc. Theo đó, lượng cua Nga nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng hơn 40% so với năm 2022 và tăng 75% so với năm 2023.
Đặc biệt là, hai quốc gia trên thế giới là Na Uy và Canada đã được hưởng lợi từ lệnh cấm này. Năm 2023, lượng cua hoàng đế và cua tuyết nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Na Uy lần lượt tăng 208% và 119%. Canada cũng tăng thị phần tại Hoa Kỳ từ 63% của năm 2021 lên 92% năm 2023; dự kiến con số này sẽ vẫn đạt trên 90% trong năm 2024. Tuy nhiên, tổng lượng cua nhập khẩu của Hoa Kỳ trong giai đoạn này đã giảm 13,8% xuống còn 13.657 tấn. Nhà cung cấp lớn nhất là Indonesia (3.111 tấn ghẹ); tiếp theo là Canada (2.767 tấn, chủ yếu là cua tuyết); và Na Uy (2.767 tấn, bao gồm cua hoàng đế và cua tuyết).
Trong quý đầu tiên của năm 2024, lượng cua xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 11,7%. Các thị trường chính là Hàn Quốc (5.253 tấn, giảm so với 6.187 tấn cùng kỳ năm 2023); Malaysia (1.762 tấn, giảm so với 2.259 tấn của năm 2023); và Nhật Bản (1.238 tấn, tăng so với 1.130 tấn năm 2023).
Xuất khẩu cua của Nga trong quý đầu tiên của năm 2024 chủ yếu tập trung vào thị trường châu Á. Tổng lượng xuất khẩu của Nga đã tăng từ 17.831 tấn vào năm 2023 lên 20.013 tấn vào năm 2024 (tăng 12,2%). Các thị trường chính là Trung Quốc (8.483 tấn); Nhật Bản (4.744 tấn); và Hàn Quốc (4.743 tấn).
Đối với Canada, như đã đề cập ở trên, Hoa Kỳ hiện là thị trường được ưa chuộng vì cua Nga bị cấm tại thị trường Hoa Kỳ. Nhưng Canada cũng có thể tìm thấy cơ hội cho cua tuyết hấp chín ở thị trường châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc. Nhật Bản đã nhập khẩu 3.316 tấn cua tuyết trong quý đầu tiên của năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, tăng 58%. Điều đặc biệt là, có tới 84% trong số này đến từ Liên bang Nga, vì vậy có rất ít chỗ cho cua Canada tại thị trường Nhật Bản.
Dự báo
Nguồn cung cua hoàng đế rất khan hiếm trong năm 2024 và nguồn cung cua tuyết có thể giảm đôi chút vì sản lượng đánh bắt ở Canada được dự đoán là sẽ giảm so với năm trước. Tuy nhiên, nguồn cung cua tuyết từ Na Uy sẽ tăng đáng kể vì nghề cá này hiện đã được chứng nhận MSC và giá cua tuyết Na Uy có thể tăng. Rất khó dự đoán xu hướng của cua Dungeness. Đối với ghẹ thì FAO đánh giá là nguồn cung thấp hơn năm ngoái, giá dự kiến tăng nhẹ. Nhìn chung, giá cua hoàng đế sẽ vẫn duy trì ở mức cao và có thể tăng hơn nữa khi nguồn cung trở nên khan hiếm. Giá cua tuyết đã giảm, nhưng có thể sẽ ổn định trở lại.
Ngọc Thúy (theo FAO)