Cụ thể, xây dựng Bạc Liêu phát triển toàn diện kinh tế biển, trung tâm công nghiệp tôm, một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. Phát triển hài hòa, toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giảm nghèo bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng biến đổi khí hậu; chủ động hội nhập quốc tế.
Đồng thời, khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng nổi trội hướng vào phát triển 3 trụ cột chính (công nghiệp năng lượng tái tạo; du lịch; nuôi trồng - chế biến thủy sản). Phát triển nhanh, đồng bộ tiểu vùng kinh tế trọng điểm Nam quốc lộ 1, các hành lang kinh tế, các trục liên kết kinh tế và các đô thị đóng vai trò là cực tăng trưởng quan trọng.
Đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực, cảng biển, khu, cụm công nghiệp, viễn thông - công nghệ thông tin; xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát triển các ngành kinh tế quan trọng
Đối với ngành Thủy sản: Tỉnh Bạc Liêu tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản an toàn, quy mô lớn, công nghệ cao, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm quốc gia; đẩy mạnh nuôi biển, nuôi biển kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo và du lịch; sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả nghề đánh bắt hải sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nâng cấp hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng và phát triển thương hiệu thủy sản có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đối với ngành Công nghiệp chế biến nông, thủy sản: Khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm qua các giai đoạn chế biến, có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm quốc gia. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng xả thải của các cơ sở chế biến thủy sản. Xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tổ chức hiệu quả liên kết chuỗi giữa cơ sở chế biến nông, thủy sản với vùng sản xuất, cung ứng nguyên liệu.
Phương hướng phát triển ngành Nông, Lâm, Ngư và Diêm nghiệp
Phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa tập trung phù hợp với các tiểu vùng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và phát triển thị trường; tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bảo vệ diện tích chuyên lúa ở những nơi có điều kiện thuận lợi, tăng diện tích thâm canh lúa - tôm, lúa - rau màu; đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ ven biển đi đôi với bảo vệ rừng hiện có. Sử dụng đất hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết hợp phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp với xây dựng nông thôn mới.
Tổ chức không gian phát triển ngư, nông, lâm nghiệp theo vùng và tiểu vùng sinh thái, gồm vùng biển, tiểu vùng mặn - Nam quốc lộ 1, tiểu vùng lợ - Bắc quốc lộ 1 và tiểu vùng ngọt - Bắc quốc lộ 1…
Phát triển vùng sản xuất nông, ngư nghiệp tập trung
Tổ chức không gian phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo 3 tiểu vùng sinh thái: Tiểu vùng ngọt, tiểu vùng chuyển đổi, tiểu vùng mặn. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu thủy sản, nông sản cho công nghiệp chế biến. Hoàn thành đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu.
Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản
Cấp nước ngọt: Gồm nguồn nước mặt từ sông Hậu chuyển vào qua; kênh trục Quản Lộ - Phụng Hiệp và hệ thống kênh Sóc Trăng - Hậu Giang; nước trữ trên hệ thống kênh mương, ao hồ và nguồn nước mưa; nguồn nước ngầm tầng nông và nước ngầm tầng sâu.
Cấp nước mặn: Nguồn nước để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản lợ và làm muối được lấy trực tiếp từ biển Đông qua các kênh trục, các ô thủy lợi ven biển.
Cùng với đó, đầu tư xây dựng công trình chuyển nước sông Hậu về khu vực ven biển - Nam quốc lộ 1 phục vụ sản xuất, giảm áp lực khai thác nước ngầm; xây dựng các công trình trữ nước; nâng cấp, mở rộng các công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thủy sản, tiết kiệm nước, giảm thiểu thiên tai do nước gây ra.
Phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện
Quy hoạch 05 vùng huyện bảo đảm phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển tổng thể của tỉnh gồm:
Vùng huyện Đông Hải là khu vực phát triển trọng điểm về tôm, thủy sản nước lợ, năng lượng tái tạo. Tập trung đầu tư phát triển thủy sản nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng trung tâm sản xuất tôm giống; sắp xếp lại nghề đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giải quyết việc làm; củng cố các cơ sở hậu cần nghề cá (trọng điểm là cảng cá Gành Hào); nâng cấp đê biển, đê sông, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Vùng huyện Hòa Bình là khu vực phát triển trọng điểm về tôm, thủy sản, năng lượng tái tạo. Tập trung đầu tư phát triển thủy sản nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng trung tâm sản xuất tôm giống; sắp xếp lại nghề đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, củng cố các cơ sở hậu cần nghề cá; nâng cấp đê biển, đê sông, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Vùng huyện Vĩnh Lợi là khu vực phát triển lúa gạo, chăn nuôi gắn với công nghiệp chế biến nông sản. Phát triển các cánh đồng lớn, các gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao. Hình thành các cụm công nghiệp chế biến nông sản, logistics trung chuyển hàng hóa tới cảng Trần Đề.
Vùng huyện Hồng Dân là khu vực phát triển lúa gạo, nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước ngọt gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, dịch vụ logistics trung chuyển hàng hóa tới các điểm kết nối với các tuyến cao tốc đi qua tỉnh. Xây dựng khu công nghiệp Ninh Quới, Trung tâm phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng huyện Phước Long là trung tâm của Tiểu vùng kinh tế Bắc quốc lộ 1, tập trung sản xuất lúa gạo kết hợp với nuôi tôm, thủy sản nước lợ, nước ngọt, phát triển các cụm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản...
Ngọc Thúy – FICen