Diện tích và sản lượng tôm của nước ta ngày càng tăng, đến năm 2016, diện tích thả nuôi tôm cả nước đạt 649.645ha với sản lượng đạt 657.282 tấn, giá trị xuất khẩu đạt trên 3,15 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm của Việt Nam đã đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU. Tuy nhiên, ngành tôm của Việt Nam vẫn đang phải đương đầu với bài toán căn cơ có tính nền tảng cho sự phát triển của ngành, đó là tôm giống.
Hiện nay, tôm bố mẹ được cung cấp từ nguồn khai thác tự nhiên kết hợp với nhập khẩu từ nước ngoài. Chất lượng tôm bố mẹ vẫn chưa ổn định, mặc dù đã được Chính phủ quan tâm đầu tư, song vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn. Bên cạnh đó, ngành tôm giống còn phải đối mặt với khó khăn như chưa làm chủ công nghệ chọn tạo, cung ứng giống, giá thành sản xuất tôm còn cao, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo. Mặc dù đã có những cơ sở cung cấp tôm giống được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ kỹ thuật có trình độ, cung cấp sản phẩm tôm giống có chất lượng và thương hiệu, được người dân tin dùng. Cả nước hiện có khoảng 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cung cấp hơn 100 tỷ tôm giống mỗi năm, tuy nhiên, lượng tôm giống này chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu nội địa, đặc biệt là tôm chân trắng.
Ngoài ra, việc quản lý kinh doanh tôm giống tại nhiều địa phương cũng còn nhiều bất cập. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều chợ mua bán tôm giống đã hình thành và phát triển tại các thủ phủ nuôi tôm như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang. Tôm giống được bán tại đây thường có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc và kiểm dịch, chất lượng không đảm bảo. Tôm được vận chuyển và bảo quản trong điều kiện kém nên càng ảnh hưởng tới chất lượng và tỷ lệ sống. Người mua chủ yếu là các hộ nuôi nhỏ lẻ, không có khả năng và điều kiện lựa chọn tôm giống có chất lượng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến người nuôi tôm có nguy cơ gặp rủi ro cao trong quá trình thả nuôi khi sử dụng con giống không rõ xuất xứ, không được kiểm tra dịch bệnh.
Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên quan đã ban hành nhiều thông tư, nghị định về quản lý giống thủy sản, góp phần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát con giống ngày càng tốt hơn. Cùng với đó, trong khuôn khổ chương trình phát triển sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ trong nước, Tổng cục Thủy sản đã chủ trì, giao các Viện nghiên cứu NTTS I, II, III lai tạo được một số dòng tôm thẻ chân trắng chất lượng cao và đã tiến hành sản xuất giống, thả nuôi thương phẩm để đánh giá, khảo nghiệm trên diện rộng. Có thể kể đến như tôm sú MOANA do Viện nghiên cứu NTTS I hợp tác cùng công ty MOANA của Mỹ nghiên cứu và phát triển. Tôm bố mẹ đã được gia hóa trong điều kiện kiểm soát an toàn sinh học tốt nên có chất lượng đảm bảo, sạch bệnh và năng suất tốt.
Bộ NN&PTNT cũng ban hành Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu, xây dựng các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất được chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và theo yêu cầu của nước nhập khẩu để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm Việt Nam ra nhiều thị trường hơn nữa, góp phần xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt Nam. Bộ cũng đặt ra kế hoạch đến hết năm 2017 có ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ tôm giống được đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của Thông tư 14 của Bộ NN&PTNT và ít nhất 1 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn của OIE để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm đi các nước.
Để có thể phát triển ngành sản xuất tôm giống, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với các Viện nghiên cứu. Ngoài ra, cần có quy hoạch vùng nuôi cụ thể, nhất là vùng ĐBSCL, xác định rõ nhu cầu để tránh dư thừa cung – cầu và hình thành các chuỗi sản xuất từ khâu nguyên liệu đến tiêu thụ. Cần phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng giống thủy sản nuôi chủ lực ở những vùng có lợi thế tự nhiên và vùng nuôi trọng điểm để đảm bảo sản xuất đủ giống tốt, giá thành hạ, chủ động cung cấp tại chỗ cho vùng nuôi. Nâng cấp và phát triển các trung tâm giống thủy sản nhằm hình thành hệ thống nghiên cứu thực nghiệm và cung cấp đàn bố mẹ, đàn hậu bị cho các cơ sở sản xuất giống, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống, tham gia cung cấp giống thủy sản kinh tế cho nhu cầu nuôi. Nâng cao năng lực hệ thống quản lý chất lượng giống, bồi dưỡng nguồn nhân lực và áp dụng công nghệ sản xuất giống công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống. Khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu chọn tạo giống, đưa giống mới và tiến bộ khoa học công nghệ từ nước ngoài vào áp dụng trong nước, đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống có chất lượng cao. Mục tiêu đề ra đến năm 2020, nước ta sẽ chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống phục vụ nuôi trồng.
Con giống được ví như nền móng giúp xây dựng ngành tôm phát triển bền vững và hiệu quả. Do đó, cần phải sớm tập trung đầu tư, phát triển hệ thống cung ứng tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao giúp xây dựng ngành tôm Việt Nam hiện đại, bền vững và giá trị cao.
Hương Trà