Đến tham dự và chỉ đạo hội nghị, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao những thành quả mà ngành hàng Tôm Việt đã đạt được trong thời gian vừa qua; Đồng thời, ông cho biết vấn đề an ninh lương thực đang rất phức tạp trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đây lại chính là thời cơ cho nông nghiệp Việt Nam (trong đó có thủy sản). Đối với lĩnh vực sản xuất tôm, cần quan tâm nhất đến vấn đề hạ tầng để sản xuất tôm giống tốt, logistics tốt; hai là vấn đề thức ăn thủy sản, ba là an ninh sinh học (chứ không chỉ dừng lại ở an toàn sinh học) và phương thức sản xuất (ao bạt/ao đất, thâm canh/quảng canh), chế phẩm sinh học (nâng cao sức khỏe, nâng cao đời sống)… Nhìn chung, ngành Thủy sản Việt Nam cần phát triển toàn diện; cần có nhiều công nghệ mới, khoa học kỹ thuật tiên tiến để tuyên truyền, khuyến cáo cho bà con.
Việt Nam đã rút kinh nghiệm từ bài học của châu Âu (giải tán sản xuất quy mô nhỏ nhưng thất bại) và đang đi theo mô hình “nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, cơ chế tuần hoàn”. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các sản phẩm khoa học công nghệ phải được khảo nghiệm, kiểm nghiệm thông qua đánh giá thực tiễn. Ngành Nông nghiệp phải hết sức cẩn thận và chắc chắn. Khi phổ biến, truyền tải cho người dân áp dụng vào sản xuất, phải kiểm nghiệm kỹ lưỡng. Thứ trưởng Tiến hy vọng Diễn đàn Tôm Việt sẽ mang lại hiệu lực, hiệu quả, giúp ngành Tôm bứt phá trong tình hình mới, đặc biệt tìm ra được những điểm nhấn giúp phát triển ngành hàng. Bạc Liêu phải xứng đáng là "Thủ phủ Tôm" của Việt Nam, thiếu cái gì, yếu ở đâu… đều phải báo cáo. Thứ trưởng đã đánh giá cao Diễn đàn và mong rằng sẽ còn có nhiều Diễn đàn, nhiều hình thức giúp ngành Thủy sản Việt Nam phát triển.
15/7/2022 - Ngày hội của ngành tôm
Hiện nay, ngành tôm ngày càng phát triển mạnh nhờ thành quả của việc chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao năng suất, mật độ nuôi cũng như chất lượng tôm thương phẩm, kích cỡ đồng đều, giảm hoặc tránh các tác động tiêu cực của môi trường trong suốt quá trình nuôi, dễ dàng xử lý và kiểm soát môi trường… Tuy nhiên việc áp dụng công nghệ kỹ thuật vào nuôi tôm vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề bất cập, cần xử lý. Ví dụ như: đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu (do chi phí đầu tư lớn); giá thành sản xuất cao hơn các nước khác; nông ngư dân Việt Nam chưa thực sự tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ, thay đổi kỹ thuật nuôi; hoạt động sản xuất vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh… Điển hình như với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh có mật độ nuôi quá dày, nếu không có trình độ quản lý tốt và áp dụng kỹ thuật cao rất dễ gây thất thoát lớn trong quá trình nuôi tôm, đặc biệt việc kiểm soát dịch bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn.
|
Nhằm góp phần phát triển ngành tôm Việt Nam đạt được các mục tiêu đã đề ra, đồng thời củng cố thương hiệu Tôm Việt, Tổng cục Thủy sản (D-FISH), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu (BSA) đã phối hợp với Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) – Hội Nghề cá Việt Nam, OXFAM tại Việt Nam, Dự án “Tăng cường bình đằng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam Á (giai đoạn 2) – GRAISEA2” để tổ chức “DIỄN ĐÀN TÔM VIỆT 2022”. Diễn đàn Tôm Việt là sáng kiến của Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) – Hội Nghề cá Việt Nam, trong khuôn khổ triển khai Dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững, công bằng tại Việt Nam – SusV” và Dự án “Tăng cường bình đằng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp tại Đông Nam Á – GRAISEA”, dự án do Liên minh châu Âu, Đại sứ quán Thụy Điển, OXFAM tài trợ.
Từ năm 2016, Diễn đàn Tôm Việt đã trở thành sự kiện thường niên do Tổng cục Thủy sản, ICAFIS và các đơn vị liên quan trong ngành tôm phối hợp tổ chức. Hàng năm, các chủ đề trọng yếu trong phát triển ngành tôm đã được Ban Tổ chức xác định và đưa vào nội dung chương trình của Diễn đàn. Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành tôm, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, Diễn đàn Tôm Việt - lần 7 được tổ chức năm 2022 với chủ đề “Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam”. Đồng chủ trì Diễn đàn có Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu Huỳnh Quốc Khởi, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu Tạ Hoàng Nhiệm.
|
Sự kiện đã được tổ chức vào sáng ngày 15 tháng 7 năm 2022 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu; Theo đó, toàn thể đại biểu đến tham dự Diễn đàn đã chia sẻ và cập nhật công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ứng dụng trong ngành tôm; Thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển tôm hiệu quả, bền vững tại Việt Nam. Và đặc biệt là định hướng phát triển khoa học, công nghệ ứng dụng trong ngành tôm. Ngoài ra, còn có một Triển lãm mini, tại đó bố trí không gian trưng bày sản phẩm, công nghệ, mô hình…cho 15 đơn vị/doanh nghiệp.
Đến tham dự Diễn đàn lần này có tới 1.000 đại biểu, gồm: Đại diện Tổng cục Thuỷ sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hội Nghề cá Việt Nam – VINAFIS; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Hiệp hội Tôm Bạc Liêu; OXFAM tại Việt Nam; các công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản; các công ty cung ứng đầu vào (thức ăn, tôm giống, vi sinh, thiết bị); các trường, viện nghiên cứu thủy sản; tổ chức NGO; các nhà mua hàng và đông đảo các đơn vị truyền thông… Cùng tới tham dự diễn đàn còn có bà con nông ngư dân đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và các tỉnh khác thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Diễn đàn Tôm Việt 2022, nhiều nội dung quan trọng, bổ ích đã được các diễn giả trình bày, chia sẻ. Bên cạnh việc tổng kết công tác sản xuất tôm năm 2021 và kế hoạch sản xuất tôm năm 2022, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm tại Việt Nam, Diễn đàn còn tổ chức 03 phiên tọa đàm với các chủ đề chuyên sâu. Đoàn chủ tịch gồm 05 thành viên: ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; ông Lê Tấn Cận – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu; ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam; ông Huỳnh Quốc Khởi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu và ông Tạ Hoàng Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu.
|
Phiên 1 – Cải tiến công nghệ trong nuôi tôm: Đại biểu được tìm hiểu về “công nghệ cao, bền vững trong nuôi tôm thương phẩm không sử dụng kháng sinh” của Tập đoàn Việt Úc; “ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học trong nuôi tôm sạch” của Công ty TNHH chế phẩm sinh học Trúc Anh; “công nghệ nuôi tôm tuần hoàn 100% nước thải và chất thải” của Tập đoàn HaiCorp; “giải pháp thay thế kháng sinh bằng tăng cường miễn dịch cho tôm nuôi” của Tập đoàn Olmix; “ứng dụng đèn UV trong nuôi tôm siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng” của Công ty TNHH công nghệ UV Best; “giải pháp giám sát liên tục oxy hòa tan (DO) – điều khiển tự động guồng quạt nước tạo oxy trong ao nuôi tôm giúp giảm 30% chi phí điện năng” của Công ty ReecoTech; “kiểm soát EHP trong nuôi tôm”…
Phiên 2 – Công nghệ số, công nghệ mới trong nuôi tôm: Đại biểu được tìm hiểu về “cách thức quản lý trại nuôi tôm bằng công nghệ thông minh” của Công ty JaLa; “ứng dụng công nghệ số vào nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, giàu oxy” của Công ty RYNAN; “ứng dụng công nghệ 4.0 trong giám sát môi trường nuôi tôm” của Công ty Tepbac; “ứng dụng công nghệ siêu âm điện hóa trong xử lý nước nuôi tôm không dùng hóa chất” của Công ty Huetronics...
Đặc biệt, tại phần Định hướng và Thảo luận, các đại biểu sẽ được chia sẻ về “máy tách phân tôm trong nuôi tôm siêu thâm canh” của Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu; “ứng dụng công nghệ cao để xử lý nước, làm giảm phần lớn (70%) diện tích ao lắng trong nuôi tôm công nghiệp”; “ứng dụng điện một chiều trong nuôi tôm, góp phần đảm bảo an toàn điện và giảm chi phí điện năng”; “hiệu quả sử dụng thức ăn chức năng trong ương dèo tôm thẻ chân trắng ở Bình Định”. Ngoài ra, cùng đến tham dự Diễn đàn, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (RIA2) cũng đã chia sẻ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm ở Việt Nam; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chia sẻ nhân rộng mô hình khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm. Sau đó, Đoàn chủ tịch đã có ý kiến kết luận, tổng kết Diễn đàn Tôm Việt – lần 7.
Theo Tổng cục trưởng Trần Đình Luân, trong thời gian diễn ra Covid, ICAFIS vẫn tổ chức được cuộc họp trực tuyến, giữ được nhịp độ phát triển ngành hàng tôm. Trước mắt, cần phân tích xem đối tượng nào nên áp dụng công nghệ nào và quy mô áp dụng công nghệ như thế nào là phù hợp. Thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ông Luân một lần nữa khẳng định: Tuyệt đối không biến người dân thành thí nghiệm, làm nghèo người dân. Trong thời gian tới, ngành Thủy sản sẽ cần thêm nhiều cuộc trao đổi cũng như nhận thêm nhiều sự tương tác tích cực từ các phía (gồm các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, người nuôi tôm…).
Tài liệu Diễn đàn Tôm Việt 2022 đã được Icafis chia sẻ tại: App DIỄN ĐÀN TÔM VIỆT
IOS: https://apps.apple.com/vn/app/d%C4%91tvn/id1614108679
Android: https://play.google.com/store/apps/details?id=dolphin.megapis.com
Ngọc Thúy - FICen