Tăng cường kiểm soát môi trường tại các cảng cá tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (28-10-2016)

Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có 18 cảng cá đang hoạt động, trong đó nhiều cảng đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn một số cảng cá tư nhân chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường biển.
Tăng cường kiểm soát môi trường tại các cảng cá tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu
Ảnh minh họa

Những cảng lớn đã có hệ thống xử lý nước thải

Với 18 cảng cá đang hoạt động, trong đó 8 cảng có cầu cảng kiên cố,  bình quân mỗi tháng, các cảng cá ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phục vụ hơn 1.500 lượt tàu thuyền của ngư dân. Tại các cảng cá, hàng ngày phát sinh một khối lượng lớn chất thải và nước thải từ các hoạt động: bốc dỡ, sơ chế hải sản, vệ sinh tàu, bảo dưỡng tàu thuyền, sinh hoạt của bà con ngư dân. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có những cảng cá lớn được đầu tư hệ thống xử lý nước thải bài bản, còn một số cảng cá nhỏ chưa có hệ thống này.

Công ty CP Dịch vụ hậu cần thủy sản tỉnh BR-VT (Baseaserco)  hiện đang quản lý 3 cảng cá tại TP.Vũng Tàu, gồm: Bến Đá, Incomap và Cảng cơ khí tàu thuyền. Trong đó, cảng Bến Đá có dung lượng khoảng 45 ngàn tấn/năm với sản lượng chủ yếu là cá tạp), 2 cảng còn lại chuyên tiếp nhận mặt hàng xuất khẩu. Hiện nay, 3 cảng này đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, với công suất 20-25m3/ngày. So với 5 năm về trước, môi trường tại các cảng cá đã cải thiện nhiều. Sau khi bốc cá xong, nhân viên liền tiến hành vệ sinh cảng và thu gom nước rỉ cá để xử lý. Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh trong cảng phải giữ gìn vệ sinh, không sơ chế thủy sản tại cảng để bảo vệ môi trường.

Cát Lở là cảng cá lớn nhất của TP.Vũng Tàu với 3 cầu cảng, bảo đảm cho tàu thuyền có trọng tải trên 4.500 tấn cập cảng. Tại cảng có hoạt động sơ chế hải sản nên khối lượng nước thải phát sinh khá lớn. Trước thực trạng này, cảng Cát Lở đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 500m3/ngày đêm. Nhờ vậy, cảng đã được cấp chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.

Là cảng mới đi vào hoạt động, cảng dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) cũng quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Cảng có tổng diện tích xây dựng 30.000m2, có thể tiếp nhận cùng lúc 12 tàu cá vào bốc dỡ hải sản và đáp ứng nhu cầu neo đậu chuẩn bị hậu cần cho 400-500 tàu. Cảng đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 70m3/ngày đêm, toàn bộ nước thải phát sinh từ hoạt động nghề cá được thu gom và xử lý. Trong cảng có bố trí các thùng rác để đựng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp. Công ty cũng đã ký hợp đồng với Công ty Công trình đô thị huyện Long Điền để vận chuyển, xử lý rác thải.

Cần hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải gây ô nhiễm

Theo kết quả quan trắc tại khu vực Cửa Lấp qua các năm 2012 - 2014, cho thấy chất lượng nguồn nước sông ở đây bị ô nhiễm bởi hàm lượng chất dinh dưỡng, dầu mỡ khoáng, chất rắn lơ lửng… Ngoài ra, không khí tại đây ở một số thời điểm bị ô nhiễm bởi hàm lượng bụi, tiếng ồn vượt giới hạn cho phép. Theo đánh giá bằng cảm quan thì khu vực này đang bị ô nhiễm mùi hôi bởi nước thải từ các cơ sở chế biến hải sản chưa xử lý xả ra môi trường còn ứ đọng tại vùng trũng, kênh, mương thoát nước và hoạt động của một số đơn vị phơi cá phân không phép xung quanh khu vực này.

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu vực, trong những năm qua, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở chế biến hải sản vi phạm về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm ở khu vực này vẫn còn tái diễn do các cơ sở đã đầu tư công trình xử lý chất thải chỉ để đối phó với cơ quan quản lý thậm chí không vận hành hệ thống xử lý nước thải… Việc làm này có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước biển ven bờ phục vụ du lịch.

Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, khu vực Cửa Lấp đã ô nhiễm từ nhiều năm nay. Để cải thiện chất lượng môi trường khu vực Cửa Lấp, Chi cục đã yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có nguồn thải vào khu vực Cửa Lấp. Các cơ quan chức năng phải đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc cấm hoạt động đối với các cơ sở chế biến hải sản chưa xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường để khắc phục ô nhiễm. Ngoài ra, cơ quan chức năng tuyệt đối không cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào phơi cá phân ở khu vực Cửa Lấp; đồng thời sắp xếp hoạt động lại các cảng cá, đầu tư công trình xử lý, thu gom nước thải.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường TP.Vũng Tàu cho biết, đơn vị thường xuyên thanh, kiểm tra, giám sát môi trường tại các cảng cá. Qua kiểm tra cho thấy, môi trường tại một số cảng bị ô nhiễm. Để xử lý dứt diểm tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cảng cá, các chủ cảng cần tăng cường kiểm tra và hướng dẫn ngư dân bảo đảm vệ sinh môi trường khi bốc cá lên cảng. Nước rỉ cá phải được thu gom xử lý triệt để. Trên cầu cảng phải bố trí các thùng rác để khi cập cảng, ngư dân có thể bỏ rác vào thùng.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác