Nhu cầu tiêu dùng thủy sản bền vững ngày càng tăng (01-06-2016)

Một báo cáo mới công bố của Viện quốc tế về Phát triển bền vững (IISD) tiết lộ rằng năm 2015, 23 triệu tấn thủy sản có chứng nhận bao gồm cả đánh bắt và nuôi trồng đã được bán trên thị trường, chiếm 14% sản lượng thủy sản trên thế giới so với con số khiêm tốn 0,5% cách đây gần 10 năm.
Nhu cầu tiêu dùng thủy sản bền vững ngày càng tăng
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo rằng khoảng 88% lượng cá trên thế giới đang bị khai thác triệt để và quá mức. IISD cam đoan rằng dù bị hạn chế bởi hạn mức khai thác thủy sản tự nhiên, một mình ngành nuôi trồng thủy sản vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu thủy sản tăng lên của toàn thế giới trong thập kỷ qua.

Cũng theo IISD, xuất phát từ nhu cầu của nhà sản xuất và bán lẻ ở các nước phát triển chủ yếu là Nhật Bản, Nam Mỹ và châu Âu, thủy sản có chứng nhận tăng 35% mỗi năm, đạt 11,5 tỷ đô la Mỹ năm 2015.

 Báo cáo nhấn mạnh năm quốc gia chiếm 2/3 sản lượng thủy sản có chứng nhận gồm: Peru (25%), Mỹ (15%), Na Uy (11%), Chi lê (8%) và Nga (6%)

Cũng trong bản báo cáo, mặc dù 63% mặt hàng thủy sản có chứng nhận có mặt ở thị trường bán lẻ Bắc Mỹ và Châu Âu, các nước châu Mỹ La Tinh mới là nơi cung cấp chính của các mặt hàng này. Trong khi đó, châu Á tuy chiếm khoảng 69% sản lượng thủy sản toàn cầu, nhưng chỉ có 11% được chứng nhận.

 Tiến hành nghiên cứu 9 hệ thống chứng nhận bền vững được coi là phổ biến nhất hiện nay, trong đó có chứng nhận của Hội đồng Quản lý biển (MSC) và Friends of Sea (FOS), IISD đưa ra kết luận rằng trong năm 2015, thủy sản đạt chứng nhận bền vững chiếm 14% sản lượng toàn cầu, trong đó thủy sản đánh bắt chiếm đến 79%. IISD cũng nhấn mạnh rằng thủy sản nuôi đạt chứng nhận chỉ chiếm 6% sản lượng nuôi trồng trên thế giới.

Theo báo cáo, chứng nhận MSC được tập trung ở một số ít các loại cá, với ba nhóm (cá tuyết, cá trích và cá ngừ), chiếm hơn một nửa trong số các sản phẩm được chứng nhận MSC toàn cầu. Cá minh thái Alaska, được sử dụng trong sandwich cá của McDonald khắp châu Âu và Bắc Mỹ, đến nay vẫn là một sản phẩm được chứng nhận nhiều nhất bởi MSC (chiếm 24%).

Trong khi đó, FOS  cấp chứng nhận cho toàn bộ sản phẩm cá cơm của Peru và Chi lê, với tổng cộng khoảng 6 triệu tấn một năm, xấp xỉ một nửa sản lượng bột cá của thế giới.

Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản cũng được cấp các chứng chỉ, với doanh số đạt hơn 60 tỷ USD doanh thu hàng năm trên toàn thế giới.

 ISSD tiến hành phân tích chứng nhận của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC), tổ chức đã chứng nhận  688.138 tấn hải sản nuôi trồng năm ngoái.

 Báo cáo cho biết thủy sản nuôi được chứng nhận chủ yếu tập trung ở một số quốc gia như Na Uy, Chile và Tây Ban Nha, chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu.

 Trong lời nói đầu của Báo cáo, Arthur J.Hanson, thành viên danh dự của ISSD đã viết "Hành tinh xanh của chúng ta đang nguy cấp, và chúng ta cần đến các tiêu chuẩn, các chỉ số và chứng nhận giúp cải thiện việc khai thác sử dụng và áp dụng phương pháp tiên tiến bảo vệ sự bền vững của biển".

Giáng Hương (theo thefishsite)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác