“Thương hiệu quốc gia Việt Nam” đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới (11-05-2023)

Ngày 07 tháng 5 năm 2023, tại Nghị quyết 74/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chính phủ đã thống nhất đánh giá: Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực và khu vực nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế.
“Thương hiệu quốc gia Việt Nam” đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Ảnh minh họa

Trong tháng 4/2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; khó khăn, thách thức gia tăng; hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu chậm lại; tăng trưởng thấp đi kèm với rủi ro suy thoái tại nhiều nước, đối tác lớn tác động mạnh đến Việt Nam. Trước bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, kịp thời chỉ đạo, điều hành; tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp thúc đẩy công tác quy hoạch, thu hút đầu tư nước ngoài; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, xuất khẩu lâm sản, thủy sản… Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục phục hồi, phát triển ổn định.

Khu vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn. Sản xuất công nghiệp bắt đầu phục hồi, tháng 4 tăng 3,6% so với tháng trước. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh nhìn chung được duy trì ổn định, một số lĩnh vực tăng khá. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4 tăng 12,3%. Các tổ chức quốc tế (ADB, IMF, WB...) tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn 2020-2022, giá trị Thương hiệu quốc gia của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, xếp vị trí 32/100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được củng cố, nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiêu khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thật sự vững chắc; lạm phát chịu nhiều sức ép; tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn khó khăn, rủi ro nợ xấu gia tăng; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp do nhu cầu giảm sút vì phải chống lạm phát. Dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, còn nhiều khó khăn; căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn gay gắt; tình trạng lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, tăng trưởng thấp kéo dài, nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng tại nhiều nước, đối tác lớn..., cùng những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt phương châm chỉ đạo, điều hành đã được xác định từ đầu năm, chủ động, kịp thời tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; kiên trì mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.

Triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách, giải pháp

Các bộ, cơ quan, địa phương triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách, giải pháp theo các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn. Đối với lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, thị trường tiềm năng như khu vực Trung Đông, Châu Mỹ La tinh, thị trường Halal, các thị trường ngách...; có giải pháp khôi phục và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, truyền thống, nhất là thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN... Phát huy tối đa lợi ích của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên. Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thúc đẩy sản xuất nông lâm thủy sản, cùng Bộ Công Thương thúc đẩy khơi thông thị trường cho hàng hóa nông lâm thủy sản; kiểm soát giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp (nhất là thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản); chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, nhu cầu của thị trường và phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương, có biện pháp hữu hiệu. Cùng với đó, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chủ động nắm bắt những quy định, hàng rào kỹ thuật mới của các nước nhập khẩu, nhất là điều kiện liên quan đến nguồn gốc và tiêu chuẩn môi trường đối với sản phẩm nông nghiệp để kịp thời có phương án, giải pháp tổ chức, quản lý sản xuất nông nghiệp phù hợp, bảo đảm duy trì và tiếp tục phát triển các thị trường nhập khẩu hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác