Lộ trình làm việc của Đoàn Thanh tra EC về IUU lần thứ 4 (04-05-2023)

Từ ngày 24 - 31/5/2023, Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra công tác chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) lần thứ 4.
Lộ trình làm việc của Đoàn Thanh tra EC về IUU lần thứ 4
Ảnh minh họa

Theo Kế hoạch tổng thể và kịch bản đón và làm việc với Đoàn thanh tra EC về chống khai thác IUU, được ban hành kèm Quyết định số 1568/QĐ-BNN-TCTS, dự kiến Đoàn Thanh tra EC sang Việt Nam lần này sẽ có 12 người, gồm: Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản; Cơ quan kiểm soát nghề cá của EC; Phái đoàn EC tại Việt Nam. Phó Tổng Vụ trưởng các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC (DG-MARE)/Vụ trưởng Vụ Quản trị Đại dương Quốc tế và Nghề cá bền vững làm Trưởng đoàn.

Nội dung kiểm tra lần này là đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị của EC về IUU; trong đó tập trung vào công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Theo Kế hoạch, chiều 23/5/2023, Đoàn Thanh tra EC sẽ đặt chân lên đất Việt Nam. Từ ngày 24 - 28/5/2023, Đoàn sẽ làm việc với Cục Thú y, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm tra thực địa tại cảng cá chỉ định PSMA và tại địa phương. Ngày 29 - 30/5/2023, làm việc kỹ thuật với Tổng cục Thủy sản. Ngày 31/5/2023 sẽ diễn ra cuộc đối thoại cấp cao. Tại cuộc đối thoại cấp cao có 3 chương trình làm việc, một là họp tổng kết, hai là làm việc với Bộ NN&PTNT và ba là lãnh đạo Chính phủ tiếp Đoàn thanh tra EC.

Trong chương trình làm việc với Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản về kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu. Nội dung mà Đoàn EC tập trung vào sẽ là: (1) Kết quả triển khai khuyến nghị của EC về xây dựng các quy trình và yêu cầu về hồ sơ nhằm đảm bảo không có thủy sản có nguồn gốc từ IUU nào được nhập khẩu vào Việt Nam, bất kể sử dụng phương tiện vận tải nào, tức là dù chở bằng tàu vận tải đông lạnh hay tàu công-ten-nơ. Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc giấy chứng nhận kiểm tra thú y không thể là bằng chứng cho tính hợp pháp của thủy sản. (DG MARE khuyến nghị ít nhất phải có quy định rõ ràng đối với việc cung cấp tên của các tàu đã khai thác số thủy sản đó và một bản sao giấy phép khai thác của các tàu đó).

(2) Những cải thiện trong việc giám sát của cơ quan chức năng đối với các hệ thống truy xuất nguồn gốc tại các doanh nghiệp chế biến và thực hiện các hoạt động đối chiếu số lượng tổng thể ngẫu nhiên (tức là xác minh rằng số lượng và nguồn gốc thủy sản theo báo cáo khi thủy sản rời khỏi doanh nghiệp chế biến + phần còn lại trong kho có tương đương với số lượng và nguồn gốc thủy sản đối với cùng một loài mà doanh nghiệp chế biến đã nhập vào hay không) thông qua hoạt động kiểm tra có sự tham gia của Hải quan.

(3) Kết quả kiểm tra và xác minh liên quan đến lô hàng cá kiếm đã kiểm tra tại 2 nhà máy tại Khánh Hòa trong đợt thanh tra tháng 10/2022, cũng như điểm đến thực sự của cá kiếm đã được xuất khẩu sang Đài Loan, nhằm xác nhận rằng số lượng nhập vào và xuất đi của 2 doanh nghiệp này vào năm 2021 và 2022 là tương đương nhau, cả về khối lượng cũng như xuất xứ.

(4) Cập nhật các thông tin liên quan đến khuyến nghị của Đoàn EC về việc kiểm soát thủy sản nhập khẩu dưới dạng công-ten-nơ.

(5) Hiện trạng, kết quả kiểm soát sản phẩm IUU nhập vào Việt Nam theo quy định của Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng; Kiểm tra năng lực thẩm định hồ sơ, thanh kiểm tra trên tàu đối với nguyên liệu hải sản nhập khẩu vào Việt Nam từ tàu nước ngoài thuộc diện phải kiểm soát theo quy định của Hiệp định biện pháp quốc 5 gia có cảng đảm bảo tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu này, gửi biên bản kiểm tra cho các cơ quan chức năng của quốc gia mà tàu treo cờ và xác minh một cách hiệu quả tính hợp pháp của thủy sản từ khai thác (kiểm tra chéo lộ trình của tàu chuyển tải theo (các) giấy phép của tàu).

(6) Kiểm tra công tác quản lý theo chuỗi nguyên liệu hải sản khai thác tại Việt Nam và nguyên liệu hải sản có nguồn gốc từ nước ngoài được sử dụng xuất sang thị trường châu Âu đảm bảo thực hiện kiểm soát theo hệ thống từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến công tác quản lý tại các nhà máy chế biến và thực hiện các quy định kiểm soát tính hợp pháp của sản phẩm và truy xuất được nguồn gốc khi xuất sang thị trường châu Âu.

Đối với các tỉnh,  Đoàn Thanh tra EC sẽ tập trung kiểm tra các nội dung như: (i) Công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; (ii) Kiểm soát tàu cá ra vào cảng, tàu cá hoạt động trên biển, kiểm soát hoạt động khai thác IUU tại cảng cá; (iii) Kiểm tra thực hiện các quy định về: Thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, công tác quản lý vận hành và xử lý dữ liệu tàu cá bị mất kết nối và ra ngoài vùng biển Việt Nam; (iv) Kiểm tra việc thực hiện các quy định về: Đăng ký, cấp phép khai thác cho tàu cá; Lập danh sách tàu cá khai thác IUU, danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; Trách nhiệm của thuyền trưởng của tàu khai thác từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định; Nhật ký khai thác và các quy định liên quan đến trách nhiệm báo cáo của các bên trong quản lý khai thác thủy sản; Đánh dấu tàu cá; Kiểm tra tàu cá và giám sát sản lượng thủy sản tại cảng cá…; (v) Kiểm tra công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác cho các lô hàng đã xuất khẩu sang châu Âu; (vi) Công tác quản lý cường lực khai thác của các đội tàu của địa phương phù hợp với hiện trạng nguồn lợi, đảm bảo phát triển nghề cá bền vững; (vii) Kiểm soát sản lượng cập trên địa bàn tỉnh; (viii) Làm việc với 1 - 2 doanh nghiệp có lô hàng xuất đi châu Âu để kiểm tra hồ sơ, quy trình xác nhận, chứng nhận nguyên liệu hải sản được khai thác tại vùng biển Việt Nam và nguyên liệu nhập khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thời gian không còn nhiều, các địa phương cần giải quyết dứt điểm những hồ sơ đang tồn tại chưa xử lý được, tạo nên hệ thống văn bản chỉ đạo cũng như văn bản pháp luật đồng bộ và chi tiết để làm việc với Đoàn Thanh tra EC. Thứ trưởng nhấn mạnh : “Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến đợt kiểm tra, tôi thay mặt Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương triển khai ngay công tác chuẩn bị sẵn sàng đón Đoàn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã thể hiện qua công tác chỉ đạo, qua hành động và đạt được kết quả bước đầu rất khả quan. Giờ rất mong các địa phương hợp sức lại cả hệ thống chính trị để quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU trong thời gian gần nhất”.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác