Gia Lai: Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (23-03-2023)

Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 638/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Gia Lai: Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ảnh minh họa

Mục tiêu chung của Kế hoạch là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung dựa trên thế mạnh của tỉnh, phát triển nhanh các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp tái tạo và du lịch; phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững gắn với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo hướng canh tác thân thiện với môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. Tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người tham gia sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, tạo cơ hội phát triển công bằng, đồng đều giữa các vùng, địa phương trong tỉnh.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân từ 6,25 - 6,5% năm trở lên. Tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt từ 6 - 7 %/năm.

Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 60%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 45%.

Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống còn dưới 50%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; trên 85% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, thu nhập của cư dân nông thôn tăng cao hơn từ 1,8 - 2,5 lần so với năm 2020.

Phấn đấu đưa Gia Lai trở thành Trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm sản của khu vực Tây Nguyên và khu vực 13 tỉnh trong tam giá phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường ở nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính, đến năm 2030 nâng tỷ lệ che phủ rừng trên 49,2%.

Gia đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 2%/năm, giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1 - 1,5%/năm, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch đạt trên 98%.

Đến năm 2025, có trên 120 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trên 65%) . Đến năm 2030, có từ 150 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (trên 82%).

Tầm nhìn đến năm 2050: Phấn đấu Gia Lai là một trong những tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại trong cả nước và không còn hộ nghèo với nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến sâu tại các vùng sản xuất. Xây dựng nông thôn văn minh, xanh, sạch, đẹp gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc, quy hoạch cảnh quan kiến trúc nông thôn với điều kiện sống, thu nhập cư dân nông thôn tiệm cận với khu vực thành thị.

Chiến lược cũng đưa ra các định hướng nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững bao gồm: Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển hạ tầng vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, cải thiện nhanh điều kiện sinh sống ở các vùng nông thôn; phát triển toàn diện, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn; xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu; tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững.

Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, Kế hoạch đề ra 12 giải pháp trọng tâm, gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phầm nông nghiệp của tỉnh; xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; giải pháp về liên doanh, hợp tác, liên kết; hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách đột phá; giám sát, đánh giá.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị liên quan chủ động triển khai thực hiện, cụ thể hóa trong kế hoạch thực hiện nhệm vụ hàng năm đảm bảo mục đích, yêu cầu và mục tiêu đề ra. Bố trí, lồng ghép, huy động nguồn lực hợp pháp theo quy định của pháp luật để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Ánh Nguyệt

Ý kiến bạn đọc

Tin khác