Đắk Lắk đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023 (20-03-2023)

Ngày 02/3/2023, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND về việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản (NLTS) trên địa bàn tỉnh Đắk Lăk năm 2023.
Đắk Lắk đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023
Ảnh minh họa

Theo đó, việc triển khai đầy đủ, đồng bộ kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp theo Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới và Đề án đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng NLTS giai đoạn 2021-2030,... nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm NLTS của Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế là mục tiêu chung của Kế hoạch.

Mục tiêu cụ thể gồm: Ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch triển khai công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản phù hợp với những quy định mới của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT; tỷ lệ các cơ cở sản xuất, kinh doanh NLTS xếp loại A, B đạt 98,5% và không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đạt 92% trên tổng số cơ sở được thống kê.

Tỷ lệ mẫu thực phẩm NLTS được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10%/năm; diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP tăng 10%/năm và tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/ năm (so với năm 2022); 100% các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phù hợp với phân công, phân cấp,...

Để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, UBND tỉnh Đắk Lắk phân công chi tiết, cụ thể cho từng đơn vị như sau:

Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ trì, phối hợp với các Sở: Y tế, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ; Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai các nội dung của Kế hoạch này đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Đồng thời, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk và các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương tuyên truyền các sản phẩm bảo đảm ATTP; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, các sản phẩm đã được xác nhận an toàn; công khai các cơ sở vi phạm quy định về ATTP thuộc phạm vi quản lý để người tiêu dùng biết và lựa chọn thực phẩm an toàn.

 Tổ chức tập huấn, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ, ngành có liên quan đến ATTP cho người quản lý, người trực tiếp sản xuất, sơ chế, chế biến và kinh doanh thực phẩm NLTS trên địa bàn tỉnh.

Sở Công Thương: Tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh, lưu thông các loại sản phẩm nông sản, thủy sản, nhất là thực phẩm chế biến ăn liền, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm về ATTP, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ, xúc tiến thương mại, truyền thông, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn của tỉnh ở trong nước và quốc tế. Triển khai các hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất,... ứng dụng thương mại điện tử, tham gia sàn thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh, chú trọng các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Cục Quản lý thị trường tỉnh: Kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại chợ đầu mối nhằm phòng chống gian lận thương mại, thực phẩm kém chất lượng; tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các điểm tập kết hàng hóa, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại về xuất xứ hàng hóa, việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, phòng chống hàng nhập lậu và gian lận thương mại đối với sản phẩm NLTS trên địa bàn. 

Công an tỉnh: Thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp (rau, củ, quả và sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả; thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt; thủy sản và các sản phẩm chế biến từ thủy sản, muối) có dấu hiệu vi phạm về ATTP trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn quản lý; phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, đoàn thể có liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi hành vi, tập quán lạc hậu, không đảm bảo ATTP.

Ngoài ra, xây dựng kế hoạch “Kế hoạch đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng NLTS năm 2023” tại địa phương và tổ chức triển khai đảm bảo đúng tiến độ và đạt hiệu quả; hướng dẫn, thống kê, tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ và thực hiện kiểm tra các nội dung đã cam kết của cơ sở sản xuất, kinh doanh không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo quy định.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác