Thanh Hóa: Phấn đấu năm 2023 với 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATTP (21-03-2023)

Mơi đây, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về việc thực hiện Đề án nâng cao năng lực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản (NLTS) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023.
Thanh Hóa: Phấn đấu năm 2023 với 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATTP
Ảnh minh họa

Mục tiêu Kế hoạch

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm NLTS, đảm bảo thực phẩm NLTS được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đáp ứng các quy định về ATTP; phát huy các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng, tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm NLTS của tỉnh; mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu.

Đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của Nhân dân. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực quản lý chất lượng ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025” năm 2023. Hơn nữa,là căn cứ để các Sở, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu sau: (1) Trên 95% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật về chuyên môn nghiệp vụ; (2) Trên 85% người sản xuất trực tiếp và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản nắm vững các quy định của pháp luật và có kiến thức về chất lượng ATTP nông lâm thủy sản; (3) 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP được cấp giấy chứng nhận; trên 92% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận thực hiện ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo quy định; (4) Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia được giám sát trên diện rộng dưới 2,71% (giảm 10% so với năm 2022 là 3,01%); (5) Hình thành và phát huy hiệu quả các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận phấn đấu đáp ứng trên 65% nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong tỉnh và hướng tới xuất khẩu.

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

 Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP; tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ làm nhiệm vụ quản lý chất lượng ATTP cấp huyện; nâng cao nhận thức, kiến thức cho chủ sở sở, người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm NLTS trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực quản lý ATTP; tăng cường công tác quản lý điều kiện đảm bảo ATTP;

Mặt khác, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP nông lâm thủy sản; tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông sản, thủy sản an toàn; xây dựng mô hình thí điểm chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như: Xây dựng các chuỗi giá trị nông sản, thủy sản an toàn và thí điểm chuỗi giá trị sản phẩm gạo hữu cơ; liên kết phát triển sản xuất nông sản thực phẩm an toàn theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất với tiêu thụ và xây dựng thương hiệu thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp; phối hợp với các đoàn thể phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác đảm bảo ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chủ trì triển khai thực hiện Kế hoạch; lập dự toán chi tiết kinh phí thực hiện Kế hoạch, gửi Sở Tài chính thẩm định; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch và các nội dung vượt thẩm quyền. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan hướng dẫn, tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.;

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác