Đắk Lắk phát triển nông lâm thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (09-01-2023)

Cuối tháng 12/2022, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2025; trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè, thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các thủy vực.
Đắk Lắk phát triển nông lâm thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
Ảnh minh họa

Đối tượng áp dụng các chính sách hỗ trợ này là các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật; hộ gia đình, cá nhân tham gia hợp tác xã theo quy định, có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh; các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hỗ trợ phát triển nông, lâm, thủy sản.

Trước đó, ngày 08/12/2022 Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã nhất trí thông qua một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nông lâm thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2025 như sau: Hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè; Hỗ trợ thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các thủy vực; Hỗ trợ xây dựng công trình nước thải, ao lắng; Hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường… Các chính sách hỗ trợ này chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023.

Theo yêu cầu của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk, chính sách hỗ trợ đảm bảo công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện. Môi chính sách chi hỗ trợ 01 (một) lần. Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ sau đầu tư các nội dung chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm, thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trường hợp các văn bản có cùng nội dung hỗ trợ thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng mức hỗ trợ có lợi nhất.

Hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè

Hỗ trợ 01 lần chi phí đóng mới lồng bè nuôi cá sau đầu tư, đối với các hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ tối đa 10.000.000 đồng/lồng (Mười triệu đồng); đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã được hỗ trợ tối đa 7.000.000 đồng/lồng (Bảy triệu đồng). Quy mô tối thiểu đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã đóng mới lồng bè nuôi cá từ 30 (ba mươi) lồng bè trở lên; đối với cá nhân tối thiểu 10 (mười) lồng bè/hộ. Mỗi năm hỗ trợ tối đa 100 (một trăm) lồng bè.

Đối tượng hỗ trợ là các hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã đóng mới lồng nuôi cá làm bằng khung sắt 048, đảm bảo kích thước tối thiểu: Chiều dài đạt 5,0m, rộng đạt 4,0m, chiều sâu từ 2,5m; có hai lớp lưới nilon, 01 lưới xung quanh, 01 lưới thức ăn sau, phao nhựa bằng thùng phi có dung tích 200lít trở lên (tối thiểu 8 phi); có “Giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè” do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Hỗ trợ thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các thủy vực

Hỗ trợ 01 lần chi phí thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các thủy vực với mức hỗ trợ 200.000.000 đồng/năm (Hai trăm triệu đồng mỗi năm) bằng nguồn ngân sách tỉnh. Mỗi năm hỗ trợ 01 lần.

Đối tượng và điều kiện hỗ trợ: Hàng năm bố trí kinh phí cho các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ thả cá giống để bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các thủy vực, địa điểm thả cách bờ tối thiểu 0,1 km.

Hỗ trợ xây dựng công trình xử lý nước thải, ao lắng

Điều kiện để được hỗ trợ: Các cơ sở chế biến nông, lâm và thủy sản có dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, ao lắng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đảm bảo môi trường, với tổng mức đầu tư từ 400.000.000 đồng trở lên.

Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% chi phí xây dựng các hạng mục công trình xử lý nước thải, ao lắng, nhưng không quá 200.000.000 đồng/cơ sở chế biến. Mỗi năm bố trí tối đa 14 cơ sở chế biến.

Hỗ trợ phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường

Hỗ trợ một lần toàn bộ kinh phí xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển chỉ dẫn địa lý theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phí, lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, mức hỗ trợ tối đa 20.000.000 đồng/hợp tác xã. Mỗi năm hỗ trợ tối đa cho 02 hợp tác xã.

Hỗ trợ một lần kinh phí, tối đa 20.000.000 đồng/hợp tác xã để xây dựng mã số, mã vạch. Mỗi năm hỗ trợ tối đa cho 10 hợp tác xã.

Hỗ trợ một lần kinh phí, tối đa 3.000.000 đồng/năm đối với hợp tác xã để tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường mạng. Mỗi năm hỗ trợ tối đa cho 30 hợp tác xã.

 Đối tượng được nhận hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân thực hiện phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác