Bạc Liêu phát triển xanh, nhanh, hài hòa và bền vững (06-01-2023)

Ngày 05 tháng 01 năm 2023, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu. Đối với lĩnh vực thủy sản, Thủ tướng đã chỉ đạo Tỉnh phát triển toàn diện kinh tế biển, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi bền vững, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Bạc Liêu phát triển xanh, nhanh, hài hòa và bền vững

Trước đó, ngày 04/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu; khảo sát các dự án điện gió ven biển và làm việc với các nhà đầu tư về phát triển năng lượng tái tạo tại địa phương. Cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan và phát biểu của đồng chí Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bạc Liêu trong việc nỗ lực, phấn đấu, phát huy tiềm năng, thế mạnh và đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Tỉnh đã đề ra, thể hiện quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm về sự phát triển của địa phương, tất cả vì một Bạc Liêu phát triển xanh, nhanh, hài hòa và bền vững.

Bạc Liêu có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là thủy hải sản (đặc biệt là 02 sản phẩm gạo và tôm). Diện mạo và tiềm lực kinh tế của Tỉnh trong những năm qua chuyển biến đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước khẳng định vị thế trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Tỉnh tăng 9,6%; thu ngân sách nhà nước tăng 10,67%. Tuy nhiên, Bạc Liêu còn một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại cần khắc phục như: Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn FDI chưa nhiều; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.

Thủ tướng chỉ đạo Tỉnh Bạc Liêu phát huy tối đa nội lực

Trong thời gian tới, Bạc Liêu cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 120/NQ - CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI với trọng tâm là 03 đột phá chiến lược về: Hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và phát triển nguồn nhân lực.

Phát huy tối đa nội lực đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của Bạc Liêu; phát triển hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi. Nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, quan tâm công tác đào tạo, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu xây dựng các trường dạy nghề, đại học phù hợp với lợi thế, chiến lược phát triển của Tỉnh. Chú trọng công tác quy hoạch: Quy hoạch đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, mở ra không gian phát triển mới, vừa khắc phục tồn tại hạn chế, khó khăn, thách thức; trong quy hoạch phải dành những vị trí thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh tạo công ăn việc làm, của cải vật chất.

Phát huy thế mạnh, tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Đặc biệt đối với một số vướng mắc liên quan đến Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện; tổng hợp, xử lý kiến nghị của Tỉnh trong quá trình sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định hiện hành có liên quan.

Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh Bạc Liêu tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ; phát huy thế mạnh, tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển năng lượng tái tạo, đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông sản chủ lực.

Phát triển toàn diện kinh tế biển, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi bền vững và tạo việc làm cho lao động địa phương; kiên quyết chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Xây dựng nông thôn mới trên quan điểm nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng trung tâm chế biến thức ăn gia súc và thủy sản cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Bạc Liêu.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác