Tổng cục trưởng Trần Đình Luân tiếp và làm việc với Tổng Giám đốc điều hành, chủ trì cuộc họp WCPFC 19 (28-11-2022)

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 19 của Ủy ban Nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (WCPFC19) được tổ chức tại Việt Nam, sáng nay ngày 28/11, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài Feleti Penitala Teo - Tổng Giám đốc điều hành, chủ trì cuộc họp WCPFC lần thứ 19 tại Việt Nam.
Tổng cục trưởng Trần Đình Luân tiếp và làm việc với Tổng Giám đốc điều hành, chủ trì cuộc họp WCPFC 19

Phát biểu chào mừng Ngài Feleti Penitala Teo, chủ trì cuộc họp WCPFC lần thứ 19 tại Việt Nam, Ông Trần Đình Luân trân trọng cảm ơn và đánh giá rất cao những hỗ trợ của Giám đốc điều hành WCPFC, Ban Thư ký, các Ban kỹ thuật, tài chính của WCPFC đã chọn Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 19 này của WCPFC.

Tại buổi làm việc, Ông Trần Đình Luân chia sẻ về hiện trạng ngành thủy sản Việt Nam cũng như những chủ trương, chính sách và định hướng phát triển khai thác thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như pháp luật của quốc tế. Thời gian qua, Việt Nam đã rất nổ lực và tích cực hợp tác với các các nước trên thế giới, các tổ chức chức quốc tế trong việc quản lý nghề cá một cách bền vững. Đây cũng là định hướng, chiến lược phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản nói chung và nghề khai thác nói riêng trong thời gian tới.

Ngành khai thác thủy sản của Việt Nam đã và đang tham gia là thành viên của các công ước quốc tế về quản lý và bảo tồn nguồn lợi thủy sản như Hiệp định đàn cá di cư (UNFSA), Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), Kế hoạch hành động khu vực về chống khai thác IUU (RPOA IUU), Sáng kiến khu vực về chống khai thác IUU; tham gia và tuân thủ các biện pháp bảo tồn và quản lý nguồn lợi cá di cư của WCPFC với tư cách quốc gia không phải là thành viên nhưng có hợp tác (CNM) và đặc biệt là đang nỗ lực gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu vào Châu Âu.

Nhân dịp này, ông Trần Đình Luân cũng đề nghị WCPFC tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quản lý cá ngừ đại dương. WCPFC và các nước tiếp tục hỗ trợ các dự án kỹ thuật về quản lý và khai thác nguồn lợi cá di cư để Việt Nam có thể tuân thủ đầy đủ các quy định có liên quan và phát triển một cách hiệu quả, bền vững nghề này để góp phần tiếp tục nâng cao đời sống của ngư dân, hướng tới khai thác thủy sản có trách nhiệm, phát triển hiệu quả bền vững.

Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng tại buổi làm việc đã được ông Luân đề cập đến là việc Việt Nam đăng ký tham gia là thành viên đầy đủ của WCPFC trong thời gian tới. Ông Luân cũng mong muốn trong thời gian tới, WCPFC và cá nhân Ngài Feleti Penitala Teo sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, kết nối với các đối tác, các nước thành viên của WCPFC và các tổ chức quản lý nghề cá khu vực khác nhằm hỗ trợ giúp đỡ Việt Nam trong quản lý phát triển nghề cá một cách bền vững có hiệu quả.

Việc tuân thủ đầy đủ, có trách nhiệm của Việt Nam đối với các công ước quốc tế có liên quan và là thành viên CNM của WCPFC, ngành thủy sản khai thác Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành. Chúng tôi cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ tham gia tích cực và đóng góp có hiệu qua hơn nữa trong cơ chế quản lý nghề cá khu vực của WCPFC với tư cách là thành viên đầy đủ của WCPFC.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ngài Feleti Penitala Teo đã cảm ơn lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản và các cơ quan liên quan tại địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện để tổ chức Hội nghị WCPFC19 lần này.

Ngài Feleti Penitala Teo cũng bày tỏ ấn tượng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây và đánh giá cao sự nổ lực và tích cực hợp tác với các các nước trên thế giới, các tổ chức chức quốc tế trong việc quản lý nghề cá một cách bền vững của Việt Nam trong thời gian qua. Hy vọng Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực có hiệu quả để đóng góp chung vào việc đưa Nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương phát triển một cách bền vững.

Kết thúc buổi làm việc, Ông Trần Đình Luân và Ngài Feleti Penitala Teo cùng các đại biểu tham dự đã trực tiếp tham quan tìm hiểu một số gian hàng và thưởng thức các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao được chế từ cá ngừ, cá basa,…của các hiệp hội, doanh nghiệp như: Hiệp hội Cá ngư Việt Nam; Công ty TNHH MTV Đồ hộp Hạ Long – Đà Nẵng; Công ty TNHH Thực phầm Mãi Tín (EVERTRUST FOODS CO., LTD)…Các sản phẩm được trưng bài tại Hội nghị lần này đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ…và các thị trường có tiềm năng khác.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác