Tổng sản lượng thủy sản trong 10 tháng đầu năm 2022, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái (15-11-2022)

Theo Trung tâm tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tổng sản lượng thủy sản tháng 10 ước đạt 815,9 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 10 tháng, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 7.450,7 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng sản lượng thủy sản trong 10 tháng đầu năm 2022, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái
Ảnh minh họa

Tình hình hoạt động nuôi trồng thủy sản vẫn tiếp tục phát triển do nhu cầu từ thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản tăng; sản lượng thủy sản nuôi trồng chủ lực thu hoạch đạt khá do diện tích thả nuôi từ đầu năm tăng cao. Tuy nhiên, hoạt động khai thác thủy sản trong tháng vẫn chịu tác động bởi thời tiết không thuận lợi.

Khai thác thủy sản: Sản lượng thủy sản khai thác tháng 10 ước đạt 298,4 nghìn tấn, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế 10 tháng ước đạt 3.290 nghìn tấn, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khai thác biển lũy kế ước đạt 3.130 nghìn tấn, giảm 2,4%. 

Ước tổng sản lượng cá ngừ đại dương loại mắt to vây vàng (loại > 30kg/1con) 10 tháng của 3 tỉnh trọng điểm khai thác cá ngừ ước đạt 16.147,9 tấn, ước tăng khoảng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tại Phú Yên, sản lượng cá ngừ đại dương tháng 10 ước đạt 100 tấn, đưa sản lượng 10 tháng ước đạt  3.161 tấn, tăng 12,8% so cùng kỳ năm 2021; tại Bình Định, tháng 10 ước đạt 920,3 tấn, tăng 17,1%, lũy kế 10 tháng ước đạt 10.521,9 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; tại Khánh Hòa, sản lượng khai thác cá ngừ 10 tháng ước đạt 2.465 tấn, tăng 1,05% so với cùng kỳ năm 2021; các loại cá ngừ nhỏ khác lũy kế từ đầu năm đến nay ước đạt 18,140 tấn.

 Nuôi trồng thủy sản: Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 10 ước đạt 517,5 nghìn tấn, tăng 4,5 % so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế ước đạt 4.160,7 nghìn tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cá Tra: Sản lượng tháng 10 ước đạt 168.2 nghìn tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, đưa lũy kế 10 tháng ước đạt 1.357,7 nghìn tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tôm: Sản lượng tôm tháng 10 ước đạt 109,6 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế 10 tháng ước đạt 887,2 nghìn tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng tôm sú tháng 10 ước đạt 25,2 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế 10 tháng ước đạt 227,4 nghìn tấn, tăng 2,2%; sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 10 ước đạt 75,9 nghìn tấn tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế 10 tháng ước đạt 608,9 nghìn tấn, tăng 13,1%.  

Ghi nhận tại thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng 10 giữ ở mặt bằng giá 30.500 đồng/kg cá cỡ 800g-1kg, sau khi giảm từ giữa tháng 9. Giá cá tra giống cỡ 28-35 con/kg tại hầu hết các địa phương thuộc ĐBSCL và Đông Nam Bộ ở mức 32.000 đến 33.000 đồng/kg, giảm 3.000 đến 5.000 đồng/kg so với tháng trước do thời tiết không thuận lợi khiến giao dịch bắt giống chậm lại. Hiện giá cá tra nguyên liệu tại vùng ĐBSCL cao hơn khoảng 1.000 đến 2.000 đồng/kg so với cách đây hơn 1 tháng. Tuy nhiên, do giá thức ăn và chi phí đầu vào phục vụ nuôi cá tra liên tục tăng nên giá thành nuôi cá tra tại nhiều hộ dân đã ở mức 27.000 đến 28.000 đồng/kg.

Giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL có xu hướng giảm về cuối tháng do nhu cầu yếu trong bối cảnh xuất khẩu trầm lắng do ảnh hưởng bởi lạm phát và căng thẳng Nga - Ukraine. Tại Bạc Liêu, giá trung bình tôm sú ướp đá cỡ lớn 20 con/kg hiện ở mức 260.000 đồng/kg, giảm 30.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 9; cỡ 30 con/kg giảm 50.000 đồng/kg còn 210.000 đồng/kg, cỡ 40 con/kg giữ 180.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ chân trắng ướp đá cỡ 40 con/kg hiện ở mức 125.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg; cỡ 60 con/kg ở mức 100.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg 85.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg.

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 10 ước đạt 900 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng đạt 9,39 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021.  Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022, chiếm 50,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 9 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng tại hầu hết cả các thị trường, ngoại trừ thị trường Nga (-11%). Thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất là Trung Quốc (+85,2%).

Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 10 đạt 250 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 10 tháng đạt 2,29 tỷ USD, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2022 chủ yếu là từ Ấn Độ (chiếm tỷ trọng 13,7%), Inđônêxia (9,7%) và Na Uy (9%). So với cùng kỳ năm 2021, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 từ Ấn Độ tăng 13,1%, Inđônêxia (+87,8%) và Na Uy (+6,1%).

Trong 10 tháng đầu năm 2022, sản xuất thủy sản đã được những kết quả tích cực. Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác