THƯ CHỨC MỪNG CỦA BỘ TRƯỞNG - Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (14/11/1945 - 14/11/2022) (14-11-2022)

Nhân kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (14/11/1945 - 14/11/2022), thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tôi xin gửi tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã, cùng bà con nông dân toàn ngành, lời chúc mừng tốt đẹp và những tình cảm trân quý.
THƯ CHỨC MỪNG CỦA BỘ TRƯỞNG - Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (14/11/1945 - 14/11/2022)

Suốt hành trình 77 năm, với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, cùng sự nỗ lực, sáng tạo của hàng triệu bà con nông dân, cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp, hợp tác xã, các hiệp hội ngành hàng,... đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, bền vững cho nông nghiệp, nông thôn, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bối cảnh biến đổi khí hậu - biến động thị trường - biến chuyển xu thế tiêu dùng” càng thôi thúc mỗi chúng ta cần đổi mới tư duy, cập nhật tri thức, chủ động trong cách thức triển khai, thực hiện thành công Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ý thức về trách nhiệm và bổn phận của mình, chúng ta dốc sức tạo dựng: Nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững - Nông thôn hiện đại, phồn vinh - Nông dân văn minh, tự tin tiếp cận khoa học kỹ thuật.

Chắc chắn rằng, phía trước sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Đối diện mỗi khó khăn, thách thức, hãy bình tĩnh nhắc nhau rằng: ‘Mọi thay đổi đều khó khăn, nhưng không thay đổi sẽ còn khó khăn hơn nhiều lần. Phần lớn chúng ta cân nhắc quá nhiều về cái giá khi thay đổi, nhưng lại thiếu cân nhắc về cái giá phải trả, nếu không chịu thay đổi ”.

Với tinh thần ‘sẵn lòng thay đổi, chủ động thay đổi”, cùng quan điểm tiếp cận ‘tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thật ”, tôi tin tưởng rằng, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã cùng bà con nông dân, tiếp tục chung tay, góp sức phát triển nền nông nghiệp nước nhà bền vững, thịnh vượng.

Nông nghiệp Việt Nam đã và đang có nhiều bước tiến vượt bậc, nhưng tổng thể chung vẫn còn khoảng cách khá xa với những đất nước có nền nông nghiệp tiên tiến. Giờ là lúc chúng ta không chỉ so sánh với chính mình, không chỉ đánh giá kết quả tăng trưởng “năm sau với năm trước ”, để tự bằng lòng với thành tích đạt được. Chúng ta cần mở rộng quan sát, tìm hiểu các nền nông nghiệp có điều kiện, đặc điểm sản xuất, kinh doanh tương đồng, để tham khảo, phân tích và áp dụng phù hợp về cách làm hay, mô hình mới, phương thức tích hợp đa giá trị trên một đơn vị diện tích. Một khi tự bằng lòng, chúng ta sẽ không tìm cách tiếp cận khác hơn, mới hơn, tốt hơn. Một khi tự bằng lòng, là chấp nhận đứng yên trước dòng chảy thay đổi liên tục của thế giới. Chúng ta không được lảng tránh thực trạng nền nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, đầy rủi ro. Chúng ta không được tự trấn an rằng mình đã làm hết sức rồi, còn lại là do người sản xuất không chịu hợp tác với nhau, doanh nghiệp không chịu đi cùng nhau. Chúng ta không nên trông chờ duy nhất vào nguồn lực nhà nước, trông chờ vào chỉ đạo từ bên trên, dễ dẫn đến việc thiếu đi hoặc đánh mất động lực tìm tòi, sáng tạo, kiên nhẫn mở từng nút thắt.

Mỗi một sự vật, hiện tượng đều có nhiều góc nhìn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau. Và có những cách nhìn, cách tiếp cận dường như đối lập nhau: tích cực và tiêu cực, lạc quan và bi quan, dài hạn và ngắn hạn. Thực tế cuộc sống cho thấy đôi khi không nên thiên lệch, cực đoan mặt này hay mặt kia, mà cần đến sự cân đối, hài hoà. Chúng ta bày tỏ nỗi bức xúc, nhưng không vô can trước những bài toán khó hiện nay. Đó là, tình trạng ùn ứ nông sản mùa này vụ kia, cây trồng này vật nuôi khác. Đó là, bà con nông dân, tại một số nơi, ồ ạt đốn bỏ cây trồng này, thay thế bằng cây trồng khác, trong khi nhu cầu thị trường liên tục thay đổi, biến động, ngày càng khó dự báo hơn. Đó là, đây đó nông sản bị đánh tráo, gian lận nhãn hiệu, chứng nhận GAP, hữu cơ trong một số hệ thống phân phối. Đó là, chi phí đầu vào tăng cao làm giảm giá trị gia tăng, gây tổn thất đến lợi nhuận của người nông dân,...

Tôi thường chia sẻ rằng, mỗi người cần LÀM VIỆC NÊN LÀM, cần tự khai phóng nguồn năng lượng trong mỗi cá nhân, hướng đến những điều mới mẻ. Mỗi sớm thức dậy, tại sao không bắt đầu bằng những câu hỏi đầy hứng khởi: Có cách nào để ngày làm việc thêm phần hiệu quả, năng suất? Làm sao kết nối, đa dạng hoá nguồn lực xã hội? Những điều mình đang nghĩ, đang làm, người khác có thực hiện khác hơn, tốt hơn không? Công việc hiện tại có thể “tích hợp đa giá trị ” thêm không? Mỗi câu hỏi khơi nguồn tri thức mới. Mỗi câu trả lời sẽ giúp làm mới công việc ngày thường, giúp mỗi người khai minh chính mình.

Xin trân trọng gửi lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công./.

Thân ái!

Lê Minh Hoan

Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Ý kiến bạn đọc

Tin khác