Bảo vệ, bảo tồn: Vì thế hệ mai sau (10-11-2022)

Chiều 10/11/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Lễ phát động cuộc thi vẽ tranh “BẢO TỒN BIỂN, BẢO VỆ LOÀI THỦY SẢN NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM VÌ THẾ HỆ MAI SAU”.
Bảo vệ, bảo tồn: Vì thế hệ mai sau

Đến dự buổi lễ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đã phát biểu phát động cuộc thi. Ông khẳng định: Bảo tồn nguồn lợi thủy sản là gốc rễ của nhiều vấn đề. Một khi nguồn lợi thủy sản suy giảm; môi trường biển suy thoái; đời sống của ngư dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước mắt, ngành Thủy sản đang nỗ lực phấn đấu để tăng diện tích các khu bảo tồn biển lên 3% trên tổng diện tích vùng biển Việt Nam. Hiện tại, hệ thống khu bảo tồn biển của Việt Nam được thiết lập trải dài từ Bắc vào Nam với 16 khu theo quy hoạch, đến nay đã có 11/16 khu đi vào hoạt động và 05 khu đã xây dựng quy hoạch chi tiết để thành lập. Nhờ đó, góp phần gìn giữ các hệ sinh thái biển điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển… nhằm bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản Việt Nam.

Ngày 29/3/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt “Đề án truyền thông nâng cao năng lực cộng đồng về bảo tồn biển đến năm 2030”; qua đó, tập trung truyền thông về: Vai trò của các khu bảo tồn biển trong việc bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; Vai trò, tầm quan trọng của hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam trong mạng lưới khu bảo tồn biển khu vực và thế giới, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam; Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học biển và quản lý khu bảo tồn biển; nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo tồn biển.

Cuộc thi vẽ tranh “BẢO TỒN BIỂN, BẢO VỆ LOÀI THỦY SẢN NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM VÌ THẾ HỆ MAI SAU” là một cuộc thi tìm hiểu về đa dạng sinh học ở khu bảo tồn biển, vai trò trách nhiệm của người dân tham gia công tác bảo tồn biển và bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm ở các khu bảo tồn biển” thông qua hình thức vẽ tranh. Thông qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về đa dạng sinh học ở khu bảo tồn biển, hiểu rõ được vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia công tác bảo tồn biển, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Với cơ cấu giải thưởng hấp dẫn bao gồm cả tiền mặt và hiện vật; đặc biệt trong đó có chuyến trải nghiệm thực tế tại khu bảo tồn biển dành cho tác giả có tác phẩm đạt giải đặc biệt và giải nhất. Đây có thể là động lực lớn để các tác giả cống hiến những tác phẩm chất lượng mang tính chuyên môn cao và ý nghĩa lớn đối với công tác bảo tồn biển, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Mọi người dân trong và ngoài nước đều có thể tham gia cuộc thi. Các tác phẩm dự thi có thể tập trung vào việc miêu tả những hoạt động thường nhật tại một khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản hay đơn giản là môi trường thủy sinh xung quanh ta sinh sống; có thể là những ước mơ, mong muốn về một khu bảo tồn biển nơi các loài thủy sản được bảo vệ, hệ sinh thái biển được gìn giữ từ đó tôm cá được sinh sôi, nảy nở; có thể là các hoạt động nên làm, không nên làm để bảo vệ môi trường biển, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm ở xung quanh ta; hay những ý tưởng, giải pháp để góp phần xây dựng các khu bảo tồn biển bền vững, ngăn chặn được sự suy giảm nguồn lợi thủy sản và bảo vệ được các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Toàn ngành tập trung phát triển mô hình đồng quản lý

Đối với lĩnh vực này, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đã đánh giá cao những mô hình đồng quản lý được thực hiện thành công trong thời gian vừa qua, có thể kể đến như (i) khu Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) với đối tượng thủy sản “sò lông” đã được triển khai rất thành công; mô hình đồng quản lý này đã góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản, bảo vệ hệ sinh thái ven biển xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam; (ii) đồng quản lý bảo vệ rạn san hô ở Nha Trang (Khánh Hòa); (iii) Hòn Yến ở Tuy An (Phú Yên) cũng triển khai đồng quản lý bảo vệ đa dạng sinh học rạn san hô; (iv) Gành Yến (tỉnh Quảng Ngãi) thực hiện mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Cũng tại Lễ phát động, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã nhấn mạnh vai trò của “Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam” trong việc kịp thời hỗ trợ ngư dân trong các hoạt động sản xuất thủy sản trên biển. Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam là tổ chức thuộc Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, được thành lập nhằm tạo nhận thức trong ngư dân về tổ chức công đoàn; Theo đó, Nghiệp đoàn kết hợp với Liên đoàn Lao động các địa phương cùng đồng hành với ngư dân, hỗ trợ ngư dân bám biển.  

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, ngành Thủy sản đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi bà con ngư dân tích cực tham gia vào tổ chức nghiệp đoàn. Theo Tổng cục trưởng, đây có thể coi là một điểm nhấn trong thời gian tới.

Tạo sinh kế cho ngư dân

Ngành Thủy sản đã xác định triển khai song song hai nhiệm vụ: Tạo sinh kế cho ngư dân và Tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo tồn biển. Có thực mới vực được đạo: Người dân làm vì lợi ích của người dân thì công tác quản lý, quy hoạch khu bảo tồn biển sẽ được triển khai tốt hơn; hoạt động bảo tồn biển sẽ bền vững hơn. Vì vậy, cách tiếp cận sẽ là từ người dân, chứ không áp đặt từ trên xuống; đồng thời, công tác truyền thông được thực hiện mềm dẻo, có chiều sâu, để người dân hiểu được ý nghĩa của cuộc thi, hiểu được mục đích sâu xa, nhờ đó lan toả thông điệp ra toàn cộng đồng.

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân hy vọng cuộc thi vẽ tranh “Bảo tồn biển, bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì thế hệ mai sau” sẽ trở thành công việc thường xuyên, liên tục; không chỉ riêng học sinh mà ngay cả phụ huynh cũng tham gia vẽ, tạo ra ý nghĩa tích cực cho cuộc thi, giúp lan toả thông điệp “BẢO TỒN BIỂN, BẢO VỆ LOÀI THỦY SẢN NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM VÌ THẾ HỆ MAI SAU”.

Ý thức nền tảng trong việc bảo vệ, bảo tồn chính là: Vì thế hệ mai sau.

Thực tế cho thấy, chỉ cần giảm cường lực khai thác một chút thì ngay trong chuyến biển tiếp theo, trữ lượng thủy sản tăng, sản lượng đánh bắt nhờ đó tăng lên rõ rệt, chất lượng sản phẩm nâng cao, thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm theo yêu cầu, hiệu quả khai thác tốt.

Tại lễ phát động cuộc thi, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cũng đã chia sẻ về việc nỗ lực tiếp cận gần hơn với người dân. Cụ thể, thông qua mạng xã hội, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản đã xây dựng trang facebook “Hội Bảo vệ nguồn lợi thủy sản” https://www.facebook.com/Nguonloithuysan; sắp tới, sẽ tiếp tục xây dựng Trang thông tin điện tử (website) chuyên về Bảo tồn biển. Tất cả những hoạt động này sẽ là tiền đề cho năm 2023 làm tốt hơn, sâu hơn. Các cơ quan chức năng, đơn vị chuyên trách của ngành Thủy sản vẫn sẽ luôn đồng hành cùng ngư dân Việt Nam.  

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân hy vọng thông qua những hoạt động tuyên truyền, phổ biến (như cuộc thi vẽ tranh “BẢO TỒN BIỂN, BẢO VỆ LOÀI THỦY SẢN NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM VÌ THẾ HỆ MAI SAU”), trong tương lai không xa, đời sống của ngư dân Việt Nam sẽ được nâng cao, môi trường biển trở nên sạch hơn, trữ lượng thủy sản tăng lên... Đến năm 2030, ngành Thủy sản sẽ đạt được những kết quả thực sự khi tiến hành đánh giá kết quả đạt được trong việc triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác