Yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tàu cá (30-09-2022)

Ngày 29/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”. Các đại biểu đã tập trung rà soát, chỉ ra những nội dung vướng mắc còn tồn tại để khẩn trương khắc phục trong thực hiện chống khai thác IUU.
Yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tàu cá

Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Thủy sản, các Hiệp hội, đại diện 28 tỉnh/thành phố ven biển.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chủ trì hội nghị.

Sau 5 năm bị “thẻ vàng” IUU, đến nay hệ thống khung khổ pháp lý liên quan đến quản lý ngành thủy sản nói chung, đặc biệt là lĩnh vực khai thác nói riêng đã được hoàn thiện đầy đủ, đáp ứng cơ bản yêu cầu về chống khai thác IUU và yêu cầu của quốc tế, các văn bản đã phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác chống khai thác IUU đến nay đã được một số kết quả tích cực. Nhận thức của người dân, các cơ quan quản lý về chống khai thác IUU đã được nâng lên, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đã có tiến bộ khi đạt 95,29% chiếm 28.519/29.930 tàu, tăng 5% so với trước. Các đơn vị cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến, đang khai thác trên vùng biển và cập bến: đã có 53 cảng cá kiểm soát theo chuỗi, cấp chứng thư xuất khẩu, kiểm soát nguyên liệu tại nhà máy chế biến.

Trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản đã cùng với các lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đoàn đến kiếm tra hầu hết các địa phương, cảng cá, đã kiểm tra nhiều tàu, cảng cá, sổ nhật ký ghi chép, phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho các cảng cá, ngư dân nâng cao năng lực quản lý và thực thi pháp luật về chống khai thác IUU. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã triển khai duy trì trên 30 tàu, sử dụng máy bay không người lái để tuần tra kiểm soát, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm để theo giõi và gián sát. Từ đầu năm 2022 đến nay đã xử lý trên 1 nghìn vụ vi phạm với tổng số tiền phạt trên 30 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục ngay nếu không được khắc phục triệt để nguy cơ “thẻ vàng” chuyển sang “thẻ đỏ” rất cao.

Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân đã chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong công tác quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trong đó việc rà soát, cập nhật đăng ký, cấp phép vào cơ sở dữ liệu quốc gia chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, đối với khối tàu từ 6m đến dưới 15m mới chỉ đạt 46,6%. Đáng nói là hiện nay một số địa phương có số lượng rất lớn tàu cá dưới 15m không còn hồ sơ giấy tờ. Hiện vẫn còn nhiều địa phương có tỷ lệ lắp đặt VMS chưa đạt yêu cầu, đạt tỷ lệ thấp dưới 90% như: Hải Phòng, Nam Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Bạc Liêu…

Công tác trực khai thác vận hành, giám sát thiết bị hành trình thiếu đồng bộ, hiện vẫn còn 5 tỉnh/thành phố chưa bố trí cán bộ trực vận hành hệ thống giám sát tàu cá.

Tình trạng mất kết nối tàu cá diễn ra phổ biến, tàu cá vượt ranh dưới bị phát hiện trên biển qua hệ thống VMS nhưng kết quả điều tra xử lý chưa đến cùng do đó chưa chấm dứt tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Đây là một trong vấn đề cần khắc phục ngay, Ông Luân gay gắt chỉ đạo.

Do đó, các địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép cập nhật đầy đủ trên hệ thống cơ sở dữ liệu Vnfishbase. Đối với các địa phương chưa bố trí cán bộ trực vận hành hệ thống VMS khẩn trương bố trí cán bộ trực 24/24, rà soát nắm bắt cụ thể thông tin, địa chỉ đến từng con tàu chưa lắp VMS.

Xử lý nghiêm các tàu các vi phạm trong khai thác thủy sản, cập nhật lên phần mềm xử lý vi phạm quốc gia.

Các địa phương thực hiện đồng bộ kiểm soát ra vào cảng, tránh tình trạng một số địa phương quản lý chặt chẽ ra vào cảng, tàu cá địa phương đó di chuyển sang địa phương khác quản lý lỏng lẻo hơn.

Các địa phương rà soát tổng thể, chuẩn bị hồ sơ giấy tờ liên quan một cách hệ thống, logic để chuẩn bị tiếp đoàn kiểm tra của EC. Mọi hoạt động tại các cảng cá, bến cá vẫn diễn ra bình thường tránh tình trạng xử lý tình huống không trung thực ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra chung.

Lệnh cấm thương mại sẽ được áp dụng hoàn toàn nếu bị thẻ đỏ

Theo thông tin tại Hội nghị, cuối tháng 10/2022, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trực tiếp kiểm tra việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU ở Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại.

Nếu bị áp dụng "thẻ đỏ", lệnh cấm thương mại của EU sẽ được áp dụng hoàn toàn đối với các sản phẩm thủy sản khai thác. Điều này không những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta mà còn ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, Ông Luân nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trưởng Ban Điều hành IUU VASEP cho biết, từ 2011 – 2021, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tăng từ 6 tỷ lên gần 9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang EU đóng góp 1 – 1,4 tỷ USD mỗi năm, chiếm 15 -17% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đi các thị trường.

Sau khi EC ra cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản khai thác của Việt Nam liên tục giảm sau 4 năm. Trong giai đoạn 2017 – 2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản giảm trên 10%, tương đương giảm 43 triệu USD. Năm 2020, xuất khẩu sang EU sụt giảm sâu nhất vì tác động kép của thẻ vàng IUU và dịch Covid. Đến năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm đều tăng trở lại nhờ tác động của hiệp định EVFTA và dịch Covid-19 làm tăng giá xuất khẩu, tăng nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng, trừ cá tra.

Bà Thu Sắc cho biết, nếu bị áp dụng thẻ đỏ, lệnh cấm thương mại sẽ được áp dụng hoàn toàn đối với các sản phẩm thủy sản khai thác. Năm 2022, ước tính xuất khẩu thuỷ sản sang EU đạt trên 1,4 tỷ USD, trong đó hải sản khoảng 420 triệu USD, thuỷ sản nuôi khoảng 980 triệu USD. Như vậy, nếu thẻ đỏ xảy ra từ 2023 thì thiệt hại xuất khẩu riêng sang EU có thể lên tới 518 triệu USD.

Về lâu dài, nếu thẻ đỏ kéo dài từ 2-3 năm, toàn bộ ngành sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, ngành khai thác và chế biến hải sản khai thác sẽ giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại, dẫn đến giảm giá trị xuất khẩu, ảnh hưởng việc làm và việc xóa đói giảm nghèo.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc Thông báo số 302/TB-VPCP ngày 26/9/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU tại cuộc họp lần thứ sáu Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và các văn bản chỉ đạo điều hành về chống khai thác IUU.

Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các Đoàn công tác liên ngành (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) đi kiểm tra tại một số địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh có tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, các tỉnh có nguy cơ cao Đoàn kiểm tra của EC sẽ kiểm tra thực tế để đôn đốc, hướng dẫn các nội dung cần chuẩn bị để tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra của EC.

Khẩn trương xây dựng báo cáo tiến độ, kịch bản, kế hoạch để tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của EC đảm bảo giảm thiểu xảy ra các tình huống bị động ảnh hưởng đến kết quả làm việc với Đoàn kiểm tra của EC.

Bên cạnh đó, các địa phương nâng cao trách nhiệm của mình phối hợp cùng với Tổng cục thủy sản trong việc tổng rà soát, kiểm soát tàu cá, hoàn thành việc gắn thiết bị giám sát hành trình nhanh chóng; thực hiện nghiêm việc giám sát định vị liên tục, kể cả tàu cá nằm bờ.

Đối với các phương tiện vi phạm phải xử phạt nghiêm cả chủ tàu và thuyền trưởng để tạo tính răn đe.

Song song đó, duy trì việc tuyên truyền, tập huấn về ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác đảm bảo chất lượng nội dung; tiếp tục đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ; rà soát, củng cố hồ sơ còn tồn tại, thiếu sót; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu trên phần mềm điện tử để dễ dàng lưu trữ, quản lý.

Các địa phương lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để kiểm soát tàu cá của tỉnh hoạt động ngoài tỉnh.

Rà soát, xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khai thác thủy sản tại địa phương, đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế của ngư dân.

Xác định cấp xã/phường/thị trấn là lực lượng nòng cốt trong quản lý, giáo dục, tuyên truyền người dân về chống khai thác IUU.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác