Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam (15-09-2022)

Sáng 15 tháng 9 năm 2022, tại thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam”.
Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam

Thực hiện “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” và “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam”  đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 04/10/2021 tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu: “Phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc”.

Trong chuỗi các hoạt động về công tác chỉ đạo điều hành để triển khai các Chiến lược/Đề án nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hoà tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam” nhằm thảo luận, đánh giá hiện trạng nuôi trồng thuỷ sản trên biển Việt Nam (gọi tắt là: nuôi biển), kế hoạch sản xuất trong thời gian tới, các giải pháp kết nối doanh nghiệp; cụ thể hoá các kế hoạch nghiên cứu, sản xuất thức ăn cho nuôi biển công nghiệp; đồng thời định hướng, giải pháp khoa học công nghệ sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển công nghiệp. Hội thảo cũng tạo điều kiện để các cơ quan, doanh nghiệp, người nuôi gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư nuôi biển công nghiệp tại Việt Nam.

Hội thảo “Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam”

Tham dự và chủ trì Hội thảo quan trọng này là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và ông Đinh Văn Thiệu  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản. Tới tham dự hội thảo còn có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo các cơ quan tham mưu, chỉ đạo điều hành về phát triển NTTS trên biển thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường; Tổng cục Thủy sản; Cục Chăn nuôi; Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1,2,3; Viện Nghiên cứu hải sản; Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản; Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hoà.

Về phía Tổng cục Thuỷ sản có đại diện các đơn vị như: Vụ Nuôi trồng thuỷ sản; Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế; Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thuỷ sản; Trung tâm Thông tin thủy sản. Ngoài ra, đến tham dự hội thảo còn có đại biểu cơ quan quản lý thủy sản địa phương: lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT/ Chi cục Thủy sản/ Trung tâm Khuyến nông 14 tỉnh/thành phố ven biển (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang); và các Viện, trường Đại học, cơ sở nghiên cứu (Đại học Nha Trang, Đại học Nông Lâm TP HCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Khoa học Huế);  Hội, Hiệp hội ngành hàng thủy sản (Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Hiệp hội xuất khẩu đậu nành Mỹ - USSEC); các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh vật tư đầu vào, cơ sở sản xuất giống, thức ăn, nuôi trồng thủy sản trên biển.

Đã có nhiều bài tham luận cô đọng, súc tích, được trình bày tại hội thảo. Trước tiên, Tổng cục Thủy sản báo cáo hiện trạng nuôi trồng thuỷ sản trên biển và kế hoạch sản xuất trong thời gian tới với trọng tâm là cá biển. Tiếp theo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Kiên Giang đã lần lượt báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giao tại Đề án 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Chuyên gia của các đơn vị, tổ chức (như: Viện Nghiên cứu NTTS 1; Đại học Khoa học Huế; các công ty: De Heus, Australis, Empyreal, Cargill, Mavin, Evonik, tập đoàn Olmix, Jolink) cũng tới dự và trình bày các bài tham luận về: Dinh dưỡng và thức ăn; cách tiếp cận; tiềm năng và thách thức; các giải pháp về nhu cầu dinh dưỡng; sản xuất thức ăn công nghiệp trong nuôi biển…

Tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển

Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng. Điều kiện tự nhiên và môi trường khá thuận lợi cho phát triển nuôi biển công nghiệp, qui mô hàng hoá lớn; đối tượng nuôi phong phú như: các loài cá biển có giá trị cao (cá chim vây vàng, cá chẽm, cá song, cá giò, cá hồng), tôm hùm, nhuyễn thể, rong biển… Đến năm 2021, diện tích nuôi biển ước đạt 75 ngàn ha và 8 triệu m3 lồng, sản lượng đạt trên 700 ngàn tấn.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam: hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, phát triển ngành nuôi biển biển ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khắn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như:

- Qui hoạch và thực hiện qui hoạch nôi biển chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ qui hoạch còn phổ biến dẫ đến ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ;

- Nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển còn yếu kém;

- Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khoẻ và môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế;

- Hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp (vùng sản xuất giống; hệ thống lồng nuôi; thiết bị quan trắc và giám sát môi trường, dịch bệnh; công nghệ thu hoạch và vận chuyển; công nghệ chế biến và phát triển thị trường,…) chưa phát triển đồng bộ;

- Nguồn lực (tài chính và nhân lực) cho phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp còn hạn chế.

- Đặc biệt việc sản xuất và cung cấp thức ăn chuyên cho nghề nuôi cá biển vẫn là một khâu chưa phát triển mạnh. Khó kiểm soát giá thành, chất lượng, nguồn gốc của thức ăn cũng như khả năng và các phương thức cung cấp.

Nỗ lực đạt được mục tiêu của “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển”

Tại hội thảo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã đưa ra các kết luận xác đáng. Theo Thứ trưởng, “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với quan điểm đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến hải sản, công nghệ phụ trợ (có thức ăn) tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.  

Để đạt được mục tiêu nêu trên, một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là: (1) Nghiên cứu, phát triển các công thức thức ăn, nguyên liệu chế biến thức ăn phù hợp với từng loài và giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn con non, con giống của các đối tượng nuôi biển; (2) Xây dựng các khu sản xuất thức ăn tập trung, gắn với khu dịch vụ hậu cần nghề cá và vùng nuôi biển tập trung; tiến tới chủ động sản xuất trong nước, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất giống và nuôi thương phẩm; (3) Xã hội hóa công tác nghiên cứu về thức ăn phục vụ nuôi biển, trong đó chú trọng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển;

(4) Vừa tiến hành nghiên cứu, vừa nhập công nghệ, thiết bị và công thức thức ăn cho các đối tượng nuôi để chuyển giao, nghiên cứu và từng bước làm chủ công nghệ sản xuất thức ăn phục vụ sản xuất con giống và nuôi thương phẩm; (5) Tổ chức đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên nghiên cứu về dinh dưỡng, thức ăn cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển để có đủ nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất; (6) Thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi biển có công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến, liên kết chặt chẽ với các trại nuôi biển; đảm bảo sản phẩm thức ăn có chất lượng cao và giá thành hợp lý.

Nhìn chung, Hội thảo “Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối với UBND tỉnh Khánh Hoà tổ chức đã giúp ngành Thủy sản đánh giá đúng về thực trạng phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển; cũng như bàn các giải pháp về nhu cầu dinh dưỡng; quản lý và lựa chọn nguyên liệu sản xuất thức ăn; công nghệ sản xuất thức ăn; tổ chức đào tạo phát triển đội ngũ chuyên gia về dinh dưỡng và thức ăn; kết nối các doanh nghiệp, cụ thể hoá các kế hoạch nghiên cứu, sản xuất thức ăn cho nuôi biển công nghiệp. đồng thời cũng tạo điều kiện để các cơ quan, doanh nghiệp, người nuôi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, xác định cơ hội hợp tác đầu tư nuôi biển công nghiệp và chế biến thuỷ sản ở Việt Nam trong thời gian tới.

Hội thảo đã được nghe hơn 10 Báo cáo với nội dung chính về các giải pháp trong thời gian tới; các tham luận, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy nghiên cứu về dinh dưỡng và sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển công nghiệp. Các đại biểu đã tích cực thảo luận để làm rõ các vấn đề công nghệ, giải pháp phát triển và đề xuất các giải pháp trọng tâm, cần thiết để phát triển lĩnh vực sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển công nghiệp bền vững, hiệu quả ở Việt Nam. Đặc biệt, hội thảo đã nhận được sự đóng góp ý kiến sôi nổi, tâm huyết với nghề nuôi biển công nghiệp, trong đó, tập trung vào các vấn đề cốt yếu như: nhu cầu dinh dưỡng; quản lý và lựa chọn nguyên liệu sản xuất thức ăn; công nghệ sản xuất thức ăn; tổ chức đào tạo phát triển đội ngũ chuyên gia về dinh dưỡng và thức ăn; cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực nuôi biển công nghiệp tại Việt Nam.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác