Bà Rịa – Vũng Tàu: Tăng cường liên kết quảng bá và phát triển sản phẩm nông sản (08-08-2022)

Trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã định hướng phát triển ngành nông nghiệp nói chung và nông sản chế biến nói riêng theo hướng liên kết, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, tiếp cận các kênh thương mại điện tử để từ đó nâng cao giá trị, hiệu quả, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm tăng lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Tăng cường liên kết quảng bá và phát triển sản phẩm nông sản

Thời gian qua, nhiều chương trình liên kết phối hợp, ký kết với các tỉnh thành trên cả nước, giữa các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu  thực hiện như: Chương trình phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm sản và thủy sản giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025; Chương trình phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình Hỗ trợ tiêu thụ nông lâm thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong trường hợp dịch bệnh hoặc nguyên nhân khách quan cản trở lưu thông thị trường giữa Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Chương trình phối hợp vận động cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng phát triển bền vững giữa UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; Chương trình phối hợp hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giữa Sở nông nghiệp và PTNT, Sở thông tin và Truyền thông, Hội Nông dân tỉnh, Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel chi nhánh Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương phát triển quảng bá thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với các tỉnh thành trong cả nước đã được UBND tỉnh quan tâm, triển khai một cách đồng bộ; một số chương trình diễn ra thường niên tại các tỉnh: Đak lak, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Cần Thơ, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định,... (như Hội Chợ giống Nông nghiệp và Ứng dụng Công nghệ cao và Hội chợ Công nghệ thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh; Hội chợ các sản phẩm OCOP tại Hòa Bình, Ninh Thuận, Tiền Giang, Long An; Hội chợ Thủy sản tại Quảng Ninh; Hội chợ Quốc tế Công nghiệp thực phẩm tại Cần Thơ; Hội chợ làng nghề truyền thống, Hội chợ triển lãm OCOP Việt Nam,...)

Ngoài ra, phát triển kinh tế số, hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cũng được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm đẩy mạnh; cụ thể Ngành Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn; đến nay, đã tạo 23.788 tài khoản, số tại khoản có gian hàng 804 và 199 gian hàng thực hiện giao dịch. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và địa phương hướng dẫn, hỗ trợ 26 doanh nghiệp (85 sản phẩm) triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh QR code nhằm minh bạch thông tin về nguồn gốc hàng hóa, đáp ứng yêu cầu thị trường. Các sản phẩm của tỉnh được hỗ trợ gồm: thịt gà, rau quả, trứng vịt, ca cao, sa kê, quả bơ, nhãn xuồng, sản phẩm mắm, thủy sản khô, hạt tiêu,…

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được trong công tác liên kết phát triển vẫn còn một số khó vướng mắc cản trở liên kết để phát triển sản phẩm nông sản, thủy sản của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với các địa phương trong cả nước như:

Chưa có vùng nguyên liệu rộng lớn. Đa số sự liên kết vùng giữa doanh nghiệp và nông dân, hợp tác xã cần những vùng nguyên liệu rộng lớn, đáp ứng đủ tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, tạo ra chất lượng cũng như đủ số lượng phục vụ cho thị trường xuất khẩu, tuy nhiêu do các vùng nguyên liệu không tập trung, riêng lẻ nhiều hộ, gia đình nên nên các doanh nghiệp còn e ngại trong quá trình liên kết.

Hiện nay trong quá trình liên kết vùng, các doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ sản phẩm yêu cầu bên liên kết phải sản xuất đảm bảo theo yêu cầu, quy trình kỹ thuật của công ty, chính vì vậy các công ty bao tiêu sản phẩm trước khi ký cam kết đều có kỹ sư xuống tập huấn, hướng dẫn,… nhưng do trình độ, thói quen canh tác, nên không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, sản lượng không đảm bảo yêu cầu, dẫn đến liên kết sản xuất bị phá vỡ.

Mặt khác, khi liên kết giữa doanh nghiệp và người dân đều có giá thu mua cụ thể, tuy nhiên về phía người sản xuất cũng không ít lần bội tín với doanh nghiệp, khi cố tình vi phạm điều khoản trong hợp đồng để bán sản phẩm ra bên ngoài với giá cao hơn. Điều đáng nói là, dù trong hợp đồng liên kết đều nêu rõ trách nhiệm của mỗi bên, song khi xảy ra sự việc, trách nhiệm lại không hề được làm rõ, không có bên nào phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm. Thế nên, nông dân bị mất niềm tin, còn doanh nghiệp thì lo sợ, e dè trong việc duy trì, mở rộng vùng nguyên liệu.

Để xây dựng được vùng liên kết hiệu quả, bền vững cần có sự tổng hòa của nhiều yếu tố của cả “4 nhà”, gồm: nhà nông – nhà nước – nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình liên kết, mỗi “nhà” đều đang bộc lộ những mặt hạn chế, như: Đối với nhà nông, đa số nông dân vẫn còn quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chậm tiếp cận thông tin thị trường, chưa hoàn toàn gạt bỏ được tư tưởng hám lợi trước mắt và khó tính toán được chiến lược lâu dài; một bộ phận nông dân còn hạn chế trong nhận thức về trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật nên họ rất dễ vi phạm hợp đồng trong quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nhiều hộ nông dân mặc dù ký hợp đồng nhận đầu tư ứng trước của doanh nghiệp, nhưng khi giá nông sản trên thị trường tăng thì lại sẵn sàng bán cho tư thương hoặc doanh nghiệp khác để hưởng giá cao hơn. Nhà doanh nghiệp thì hiện còn ngần ngại đầu tư cho sản xuất, kinh doanh nông - lâm - ngư nghiệp do vốn đầu tư lớn nhưng rủi ro cao và thu hồi vốn chậm. Việc liên kết với các nhà khoa học còn lúng túng và hiệu quả chưa cao, nhất là việc liên kết với người nông dân để “xã hội hóa” các công nghệ hiệu quả. Trong nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp giữa nông dân và doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước vẫn chưa kịp thời xử lý, dàn xếp, thỏa đáng.

Để khắc phục các mặt hạn chế trong công tác liên kết phát triển như trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề ra một số giải pháp để thực hiện như:

Triển khai có hiệu quả Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Phát triển liên kết vùng cho các tỉnh thành trọng điểm phía Nam; Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO: 9000, HACCP, VietGAP, GlobalGAP...), hệ thống truy xuất nguồn gốc, từ đó tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, giá trị gia tăng cao, giá thành hạ và có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường; Đầu tư, phát triển các trung tâm dịch vụ logistics tại các tỉnh, khu vực đảm bảo dịch vụ về kho bãi, bảo quản, phương tiện vận chuyển đảm bảo chất lượng, thời gian giao nhận hàng hóa phù hợp với đặc thù sản phẩm nông nghiệp.

Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu sản xuất và dự báo thị trường: Cung cấp thông tin về mùa vụ, sản lượng, thời gian thu hoạch, tiêu chuẩn áp dụng của các sản phẩm nông lâm thủy sản để liên kết, cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến; Công khai các tiêu chuẩn, qui định, yêu cầu đối với sản phẩm cung cấp vào theo từng phân khúc thị trường của các tỉnh, thành để các cơ sở, doanh nghiệp, HTX có kế hoạch, định hướng sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường; Cung cấp thông tin thị hiếu tiêu dùng và dự báo xu thế, khuynh hướng, phát triển thị trường.

Mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các nhà máy chế biến sâu nông thủy sản (nước ép, sấy dẻo, khô, đông lạnh,…), sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, công nghệ bảo quản, chế biến hiện đại nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm.

Nguyễn Bình

Ý kiến bạn đọc

Tin khác