Dự kiến thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định EVFTA đến năm 2027 giảm xuống còn 7,5% (30-06-2022)

Vừa qua, Bộ Tài chính đã xây dựng và lấy ý kiến của các Bộ, ngành và đơn vị liên quan về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2022 – 2027 (Hiệp định EVFTA).Theo Dự thảo, lộ trình áp dụng thuế suất trung bình năm 2022 là 14,8%; năm 2023 là 10,1%; năm 2024 là 9,6%; năm 2025 là 8,4%; năm 2026 là 8% và năm 2027 là 7,5%.
Dự kiến thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định EVFTA đến năm 2027 giảm xuống còn 7,5%
Ảnh minh họa

Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (sau đây viết tắt là Hiệp định EVFTA) ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội và được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 102/2020/QH14 ngày 08/6/2020 tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Hiệp định này đã được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn vào ngày 12/02/2020 và Hội đồng châu Âu thông qua vào ngày 30/3/2020. Ngày 18/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2020/NĐ-CP quy định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020 – 2022. Nghị định số 111/2020/NĐ-CP được ban hành theo AHTN phiên bản 2017.

Ngày 08/03/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP phê duyệt Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2022. Theo kế hoạch, các cam kết về thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam trong Hiệp định EVFTA cần được chuyển đổi sang AHTN 2022 để đảm bảo sự đồng bộ của pháp luật trong nước, tuân thủ cam kết của Việt Nam tại Nghị định thư của các nước ASEAN và Công ước HS.

 Về cam kết thuế xuất khẩu trong Hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng quan trọng như dầu thô, than đá...

Về cam kết thuế nhập khẩu trong Hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU, và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm (tối đa là 15 năm) hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.

Để tiếp tục triển khai thực hiện cam kết về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Việt Nam theo Hiệp định EVFTA đảm bảo tính liên tục và theo đúng lộ trình đã cam kết, thực hiện theo quy định của Điều 11 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016 về thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất, Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam cho giai đoạn 2022 – 2027.

Theo Dự thảo Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất cho từng năm, kể từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31/12/2027, áp dụng đối với 737 dòng thuế.

Về mức thuế xuất khẩu ưu đãi: Thuế suất trung bình năm 2022 là 14,8%; năm 2023 là 10,1%; năm 2024 là 9,6%; năm 2025 là 8,4%; năm 2026 là 8% và năm 2027 là 7,5%.

Về điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định EVFTA: Hiệp định EVFTA là hiệp định thứ hai sau Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam cam kết cắt giảm/xoá bỏ thuế xuất khẩu. Hiệp định này không có quy định cụ thể về các điều kiện để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi. Tuy nhiên, để đảm bảo kiểm soát được hàng hóa thực tế được nhập khẩu vào các lãnh thổ quy định tại Nghị định theo đúng đối tượng và tránh gian lận thương mại, dự thảo Nghị định quy định điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi là có bản sao chứng từ vận tải và tờ khai hải quan nhập khẩu thể hiện đích đến thuộc các lãnh thổ quy định tại Nghị định.

Về thủ tục áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định EVFTA: Theo quy định hiện hành, người khai hải quan thực hiện khai hải quan theo quy định tại mục V của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, biểu thuế xuất khẩu ưu đãi ban hành kèm theo dự thảo Nghị định chỉ áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu có điểm đến là các lãnh thổ quy định tại Nghị định nên cần bổ sung 02 loại hồ sơ (bản sao chứng từ vận tải và bản sao tờ khai hải quan nhập khẩu) để tránh các trường hợp gian lận thương mại. Việc bổ sung này không phát sinh thêm thủ tục hành chính mà chỉ phát sinh thêm giấy tờ cần nộp để chứng minh lô hàng đủ điều kiện được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi. Việc bổ sung bản sao chứng từ vận tải và bản sao tờ khai nhập khẩu phù hợp với quy định của Điều 71 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác