Thủy sản Việt Nam còn nhiều dư địa tại thị trường Bắc Âu (01-07-2022)

Theo Báo Chính phủ, giá trị kim ngạch thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu sang các nước Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy chỉ đạt 51,26 triệu USD, chiếm 0,7% thị phần tại khu vực này năm 2020. Trong khi đó, hàng năm các nước này nhập khẩu lượng thuỷ sản khá lớn (khoảng 7,27 tỷ USD) và liên tục tăng qua các năm. Do vậy, đây là các thị trường còn nhiều dư địa cho thủy sản Việt Nam.
Thủy sản Việt Nam còn nhiều dư địa tại thị trường Bắc Âu
Ảnh minh họa

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Latvia), đối với mặt hàng cá tra và tôm sú, Việt Nam chi phối thị phần nhập khẩu thực tế do hầu hết các mặt hàng này tại Bắc Âu đều có xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, thị phần nhập khẩu theo thống kê không cao do các doanh nghiệp Việt Nam ít xuất khẩu trực tiếp sang Bắc Âu mà thường xuất khẩu sang các đầu mối trung gian tại các nước ở trung tâm châu Âu (như Hà Lan, Đức, Pháp, Bỉ).

Đối với mặt hàng cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, thị trường lớn nhất của cá tra là Bắc Âu, nơi người tiêu dùng quan tâm nhất đến tính bền vững, giá cả và sự tiện lợi. Phần lớn cá tra được đưa vào châu Âu dưới dạng phi lê đông lạnh và các nhà xuất khẩu Việt Nam chiếm phần lớn thị phần. Hầu hết các sản phẩm cá tra được cung cấp thông qua các nhà nhập khẩu và bán buôn, cuối cùng là dịch vụ bán lẻ và thực phẩm. Nếu không tính nhập khẩu nội khối, trong số các quốc gia ở châu Á, hiện nay, Trung Quốc đang đứng đầu danh sách xuất khẩu vào các nước Bắc Âu với kim ngạch đạt 61,86 triệu USD năm 2020, chiếm 0,85% thị phần. Việt Nam, Ấn Độ đứng thứ ba với kim ngạch khoảng 11,27 triệu USD, chiếm 0,15%.

Theo nhận định của Thương vụ, Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020 đã và đang mang lại nhiều ưu đãi cho thuỷ sản Việt Nam, và là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Bắc Âu với giá cao hơn xuất khẩu qua trung gian. Đáng nói, dù có sự hỗ trợ tích cực từ Hiệp định EVFTA nhưng thị trường Bắc Âu nhỏ, các nước này lại chủ yếu nhập khẩu từ các nước xung quanh, nên thuỷ sản Việt Nam khó có cơ hội tăng kim ngạch, hoặc có tăng cũng không đáng kể. Ngoài ra, thị trường Bắc Âu được đánh giá là thị trường khó tính với các quy định khắt khe. Đây cũng là một khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển còn nhận định: Thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu vào khu vực này chủ yếu là hàng đông lạnh, nguyên liệu thô hoặc sản phẩm sơ chế; các mặt hàng có giá trị kinh tế cao còn ít nên chưa tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan do Hiệp định EVFTA mang lại. So với các nước khác xuất khẩu thuỷ sản vào EU thì Việt Nam có nhiều lợi thế hơn khi có Hiệp định EVFTA, rõ rệt nhất là các mặt hàng tôm (tôm sú và tôm chân trắng đông lạnh). Thuế suất nhập khẩu các mặt hàng này sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm.

Cá tra Việt Nam được EU đánh giá cao

Mặc dù đối diện nhiều khó khăn, nhưng thủy sản Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường Bắc Âu nói riêng và toàn châu Âu nói chung đang nhận được nhiều lợi thế. Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, gần 50% số dòng thuế được áp dụng thuế suất cơ bản từ 0-22%, trong đó, phần lớn các loại thuế cao từ 6-22% sẽ giảm về 0%. Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ bản từ 5,5-26% sẽ giảm về 0% sau 3-7 năm. Đối với các sản phẩm cá ngừ và cá viên đóng hộp, hạn ngạch thuế quan của EU đối với Việt Nam là 11.500 tấn và 500 tấn tương ứng.

So sánh với các nước khác xuất khẩu thuỷ sản vào EU, lợi thế của Việt Nam rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh, sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan và Ecuador không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ và Indonesia không có FTA chịu thuế GSP 4,2%. Sản phẩm cá tra đông lạnh đang hưởng thuế GSP 5,5% sẽ được hưởng thuế EVFTA 0% sau 3 năm, trong khi các nước Indonesia vẫn chịu thuế GSP 5,5% và Trung Quốc chịu thuế cơ bản 9%. 

Đối với sản phẩm cá ngừ, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn sau 3-7 năm thuế được đưa về 0%, tăng khả năng cạnh tranh đối với đối thủ lớn nhất là Thái Lan - đang bị áp thuế 18-24%. Đặc biệt, một số mặt hàng chế biến có thuế suất cơ bản cao (20%) sẽ giảm ngay về 0% như hàu, sò điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, bào ngư...; hầu hết các mặt hàng mực, bạch tuộc đông lạnh có mức thuế cơ bản từ 6-8% sẽ giảm ngay về 0%; các sản phẩm khác như surimi giảm từ 14,2% xuống 0%, cá kiếm từ 7,5% xuống còn 0%... Mặt khác, các nhà cung cấp Việt Nam và các nhà nhập khẩu châu Âu đã xây dựng được mối quan hệ bền vững, lâu dài. Do đó, sản phẩm thủy sản của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao. Lao động Việt Nam có giá cả phải chăng và các nhà máy được thành lập để chế biến cá tra nguyên liệu thành sản phẩm ưa thích của người tiêu dùng châu Âu.

Cá tra Việt Nam được tiêu thụ nhiều tại thị trường Bắc Âu

Phần lớn cá tra được nhập khẩu vào thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng dưới dạng phi lê đông lạnh. Các nhà nhập khẩu chuyên biệt sẽ nhập khẩu các sản phẩm cá tra bằng tàu container (đối với các sản phẩm đông lạnh). Họ sẽ bán cá tra trực tiếp cho các phân khúc thị trường có liên quan hoặc phân khúc gia tăng giá trị đầu tiên cho sản phẩm cá tra trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Các phân khúc thị trường cuối cùng của châu Âu có liên quan nhất đối với cá tra là dịch vụ bán lẻ và thực phẩm ở Bắc Âu thông qua các nhà nhập khẩu và bán buôn. Hương vị trung tính của sản phẩm làm cho nó trở nên lý tưởng để kết hợp với các món ăn khác nhau. Tại thị trường cuối cùng, cá tra được bán dưới nhiều dạng sản phẩm khác nhau. Hầu hết các sản phẩm là philê đông lạnh, nhưng có một phân khúc quan trọng là các sản phẩm rã đông và giá trị gia tăng. Theo Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia, tại châu Âu, cá tra Việt Nam được tiêu thụ nhiều nhất ở thị trường Bắc Âu.

Theo VASEP, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,71 tỷ USD, tăng 44,2% so năm 2021. Tại thị trường EU, sau 2 năm liên tiếp xuất khẩu giảm sút, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 88,6 triệu USD, tăng 89%; tôm xuất khẩu đạt 303,5 triệu USD, tăng 50,8% so cùng kỳ năm 2021. Riêng với thị trường Bắc Âu, cá tra Việt Nam được đánh giá rất cao và đây là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam so với toàn châu Âu. Cũng theo VASEP, trong 5 tháng đầu năm 2022, các nhà máy chế biến cá tra Việt Nam đều đã nỗ lực chạy hết công suất chế biến để đạt tổng giá trị xuất khẩu là 1,21 tỷ USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu cá tra ở một số thị trường chủ lực có mức tăng rất mạnh trong 5 tháng qua. Chẳng hạn, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hong Kong đạt hơn 317 triệu USD, tăng 124% so với cùng kỳ 2021; thị trường Mỹ đạt 310 triệu USD, tăng 131%; xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường các nước thuộc CPTTP (Mexico, Canada, Australia, Nhật Bản) đạt 146,5 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2021.

Sự tăng trưởng tốt ở hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn đã bù đắp cho hơn 3 năm ngành cá tra bị tổn thương nặng nề do COVID-19. Dự báo, năm 2022, xuất khẩu cá tra có thể đạt 2,6 tỷ USD (năm 2021 đạt 1,61 tỷ USD).

Ngọc Thúy (t/h)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác