DIỄN ĐÀN TÔM VIỆT 15/7/2022 (20-06-2022)

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nuôi tôm và chế biến các sản phẩm từ tôm, đặc biệt là ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - nơi chiếm tới 95% sản lượng tôm và cũng là trung tâm của các nhà máy chế biến tôm.
DIỄN ĐÀN TÔM VIỆT 15/7/2022

Trong những năm gần đây, tôm ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo số liệu thống kê, năm 2020 tôm chiếm 44% xuất khẩu thủy sản tương đương giá trị đạt trên 3,7 tỷ USD. Năm 2021, cả nước sản xuất được 41.000 con tôm bố mẹ (21.000 con tôm thẻ chân trắng và 20.000 con tôm sú); sản xuất tôm giống đạt 144,5 tỷ con (tăng 11 % so với cùng kỳ năm 2020). Diện tích tôm nước lợ thả nuôi đạt 747 nghìn ha (nuôi tôm sú là 626 nghìn ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 121 nghìn ha). Sản lượng tôm nuôi các loại năm 2021 đạt 970 nghìn tấn (tăng 4,3% so với năm 2020); trong đó, tôm sú 265 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 655 nghìn tấn, còn lại là tôm khác.

Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 đạt 3,9 tỷ USD (tăng 5,4% so với năm 2020). Trong tháng 4/2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt hơn 442 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu tôm bốn tháng đầu năm nay đạt kỷ lục trong 5 năm trở lại đây với 1,4 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ. Có thể thấy sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành tôm Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và khởi đầu tốt đẹp. Hiện tại, Việt Nam vẫn là nước đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Ecuador về xuất khẩu tôm, trung bình 5 năm qua xuất khẩu tôm của Việt nam tăng trưởng 5% mỗi năm. Các thị trường chính của tôm Việt Nam vẫn là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… 

Theo “Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018, Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu: Phát triển ngành tôm thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

Cụ thể đến năm 2025, phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp tôm công nghệ cao hình thành ở các vùng sản xuất trọng điểm; vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Đưa tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD (tăng trưởng bình quân đạt 12,7%/năm), trong đó giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 8,4 tỷ USD; Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000 ha; diện tích nuôi tôm càng xanh tập trung đạt 50.000 ha; nuôi tôm hùm đạt 1.300.000 m3 lồng; Tổng sản lượng tôm nuôi đạt 1.153.000 tấn (tăng trưởng bình quân đạt 6,73%/năm). Trong đó tôm nước lợ đạt 1.100.000 tấn; tôm càng xanh đạt 50.000 tấn và tôm hùm đạt 3.000 tấn.

Thành quả của việc chuyển giao công nghệ 

Ngành tôm càng ngày càng phát triển một phần nhờ thành quả của việc chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao năng suất, mật độ nuôi cũng như chất lượng tôm thương phẩm, kích cỡ đồng đều, giảm hoặc tránh các tác động tiêu cực của môi trường trong suốt quá trình nuôi, dễ dàng xử lý và kiểm soát môi trường… Tuy nhiên việc áp dụng công nghệ kỹ thuật vào nuôi tôm vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề bất cập, cần xử lý.

Ví dụ như: đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu (do chi phí  đầu tư lớn); giá thành sản xuất cao hơn các nước khác; nông ngư dân Việt Nam chưa thực sự tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ, thay đổi kỹ thuật nuôi; hoạt động sản xuất vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh… Điển hình như với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh có mật độ nuôi quá dày, nếu không có trình độ quản lý tốt và áp dụng kỹ thuật cao rất dễ gây thất thoát lớn trong quá trình nuôi tôm, đặc biệt việc kiểm soát dịch bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Cục Thú y, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 15.698 ha, chiếm khoảng 2,2% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước và chiếm 96,6% tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại.  Hơn nữa khả năng cập nhật thông tin thị trường, giá cả vẫn còn giới hạn, hiện tại các thông tin đã được công khai trên mạng hoặc các ứng dụng như “App Diễn đàn tôm Việt” nhưng nhiều độc giả vẫn chưa tiếp cận với các thông tin đó.

Nhằm góp phần phát triển ngành tôm Việt Nam đạt được các mục tiêu đã đề ra, đồng thời củng cố thương hiệu tôm Việt, Tổng cục Thủy sản (D-FISH), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu (BSA) sẽ phối hợp với Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) – Hội Nghề cá Việt Nam, OXFAM tại Việt Nam - Dự án “Tăng cường bình đằng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam Á (giai đoạn 2) – GRAISEA2, tổ chức “DIỄN ĐÀN TÔM VIỆT 2022”.

Diễn đàn Tôm Việt - lần 7 – với chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong phát triển nuôi tôm tại Việt Nam” dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 năm 2022 tại thành phố Bạc Liêu; Theo đó, sẽ chia sẻ và cập nhật công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ứng dụng trong ngành tôm; Thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển tôm hiệu quả, bền vững tại Việt Nam. Và đặc biệt là định hướng phát triển khoa học, công nghệ ứng dụng trong ngành tôm. Ngoài ra, cũng sẽ có một Triển lãm mini, tại đó bố trí không gian trưng bày sản phẩm, công nghệ, mô hình…cho 15 đơn vị/doanh nghiệp.

Thành phần tham dự từ 500 đến 600 đại biểu, gồm: Đại diện Tổng cục Thuỷ sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hội Nghề cá Việt Nam – VINAFIS; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Hiệp hội Tôm Bạc Liêu; OXFAM tại Việt Nam; các công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản; các công ty cung ứng đầu vào (thức ăn, tôm giống, vi sinh, thiết bị); các trường, viện nghiên cứu thủy sản; tổ chức NGO; các nhà mua hàng và đông đảo các đơn vị truyền thông… Cùng tới tham dự diễn đàn còn có bà con nông ngư dân đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và các tỉnh khác thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Để biết thêm thông tin và đăng ký tham dự xin liên hệ: Ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS); Điện thoại: 0985.024.307; Email: lap.dinhxuan@icafis.vn

Đăng ký bài trình bày, chia sẻ tại Diễn đàn: trước 30/6/2022

Đăng ký không gian trưng bày sản phẩm và công nghệ: trước 5/7/2022

Tài liệu Diễn đàn sẽ được chia sẻ tại: App DIỄN ĐÀN TÔM VIỆT

IOS: https://apps.apple.com/vn/app/d%C4%91tvn/id1614108679

Android: https://play.google.com/store/apps/details?id=dolphin.megapis.com

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác