Khai thác tiềm năng, mở rộng thị phần xuất khẩu tại EU (13-06-2022)

Với ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại EU. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại, doanh nghiệp cần tuân thủ những quy định bắt buộc để gia tăng xuất khẩu sang thị trường này.
Khai thác tiềm năng, mở rộng thị phần xuất khẩu tại EU
Ảnh minh họa

Bộ Công Thương cho biết, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động thương mại và đầu tư của thế giới cũng như Việt Nam. Vì vậy, việc thực thi Hiệp định EVFTA mang lại ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế và mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp. Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản… đã tận dụng khá tốt cơ hội, gia tăng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng mạnh (từ 20-30%/năm) và không bị hạn chế về chủng loại, sản lượng.

Đơn cử như với rau quả, trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực mặt hàng này xuất khẩu vào EU được hưởng mức thuế suất ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) nhưng vẫn ở mức khá cao 10-20%. Nhưng kể từ khi EVFTA được thực thi, mặt hàng rau quả lại nằm trong top đầu ngành hàng được hưởng ưu đãi thuế quan. Đặc biệt, có đến 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0% (trong đó, có nhiều mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam). Điều đáng ngạc nhiên là, tuy có nhiều lợi thế như vậy nhưng đến nay rau quả của Việt Nam chỉ chiếm dưới 1% thị phần tại EU.

Lý giải nguyên nhân này, các chuyên gia cho rằng cơ cấu giữa các mặt hàng chưa cân đối, hiệu quả kinh tế chưa cao. Sản lượng và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng hóa xuất khẩu của các doanh Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường châu Âu. Hơn nữa, mặc dù EU là thị trường quan trọng và nhiều tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhưng cũng là thị trường đòi hỏi các yêu cầu khắt khe và có tập quán thương mại đặc thù. Chẳng hạn như gần đây, EU sửa đổi quy định về mức dư lượng tối đa đối với flutianil trong và trên một số sản phẩm nhất định.

Quy định mà doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm sang EU cần nắm bắt

Ngày 7/4/2022, EU đã ban hành Quy định (EU) số 2022/566 sửa đổi phụ lục II của Quy định (EC) 396/2005 về mức dư lượng tối đa đối với flutianil trong hoặc trên các sản phẩm nhất định như trái cây tươi và đông lạnh, các loại hạt; các sản phẩm có nguồn gốc động vật.

Ngày 12/4/2022, ban hành Quy định (EU) số 2022/617 về việc sửa đổi Quy định (EC) 1881/2006 về mức thuỷ ngân tối đa trong cá và muối. Theo đó, hàm lượng thuỷ ngân trong cá từ mức 0,3 đến 1,0 – tuỳ thuộc vào loại cá và hàm lượng thuỷ ngân trong muối ở mức 0,1.

Ngày 13/4/2022, ban hành Quy định (EU) số 2022/634 sửa đổi Quy định (EU) số 37/2010 liên quan đến việc phân loại chất bambermycin và giới hạn dư lượng tối đa của nó trong thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Ngày 20/4/2022, ban hành Quy định (EU) số 2022/650 về việc sửa đổi Phụ lục của Quy định (EU) số 231/2012 quy định các thông số kỹ thuật cho các chất phụ gia thực phẩm được liệt kê trong Phụ lục II và III của Quy định (EC) số 1333/2008 liên quan đến thông số kỹ thuật đối với natri diacetate (E262).

Đây là những quy định doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm sang EU cần nắm bắt để đảm bảo duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình. Chính vì vậy, doanh nghiệp giao thương với thị trường EU cần thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, kể cả quy cách đóng gói, bao bì, thông tin sản phẩm; tuân thủ các yêu cầu về cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thông tin, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa

Để gia tăng xuất khẩu sang thị trường EU, các chuyên gia thương mại cho rằng doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường cũng như đáp ứng các nhu cầu bổ sung. Cùng đó, doanh nghiệp phải dán nhãn với các thông tin chính xác và xây dựng thương hiệu, kể chuyện về sản phẩm đi kèm với nghiên cứu phát triển sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng.

Một số quy định bắt buộc đối với thủy sản xuất khẩu sang EU

An toàn thực phẩm là nội dung quan trọng ở thị trường thủy sản Châu Âu. Trong thời gian qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã thiết lập những rào cản để điều chỉnh việc nhập khẩu thủy sản. Khi các vấn đề như dán nhãn sai, gian lận, và các hành vi bất hợp pháp khác ngày càng lộ rõ, Ủy ban Châu Âu (EC) cũng như các doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có phản ứng gay gắt. Do đó, ngày càng có nhiều quy định bắt buộc, yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ để được phép thâm nhập vào thị trường này.

Sản phẩm của bạn phải được dán nhãn chính xác, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc rõ ràng và đầy đủ các giấy chứng nhận cần thiết khác, đảm bảo thủy sản xuất khẩu đáp ứng được tất cả các yêu cầu về an toàn thực phẩm của Châu Âu và không gây mối đe dọa nào cho người tiêu dùng Châu Âu. Các yêu cầu chính mà doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần đáp ứng là việc thực hiện các tiêu chuẩn phân tích mối nguy và các điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở các tàu đánh cá hoặc trang trại nuôi trồng thủy sản. Ngoài việc áp dụng các yêu cầu vệ sinh cơ bản thì còn có thể có những quy định bổ sung khác đối với một số loại thực phẩm.

Châu Âu được đánh giá là thị trường có những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm cao nhất thế giới. Các sản phẩm bị phát hiện không tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của Châu Âu sẽ được lưu vào danh sách trong Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF). Các quy định của Liên minh Châu Âu về vệ sinh thực phẩm bao gồm tất cả các giai đoạn từ sản xuất, chế biến, phân phối và đưa ra tiêu thụ tại thị trường thực phẩm cho người.

Mặc dù các quy định này đã được áp dụng trong nhiều năm và rất hiếm khi thay đổi, nhưng là các quy định bắt buộc, là yêu cầu quan trọng nhất để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải đáp ứng. Đây là một quá trình nỗ lực kéo dài, đòi hỏi sự cam kết của tất cả các bên liên quan.

Liên minh châu Âu có các quy định nghiêm ngặt và phức tạp về mức dư lượng tối đa (MRL) đối với thủy hải sản. Các mức này được viết ra trong các văn bản quy định khác nhau. Tùy thuộc vào loài và nguồn gốc (thủy sản khai thác hoặc nuôi trồng), doanh nghiệp thủy sản cần chứng minh trong mỗi chuyến hàng rằng sản phẩm xuất khẩu sang EU không vượt quá mức dư lượng tối đa, bằng cách cung cấp giấy chứng nhận do phòng thí nghiệm được chỉ định cấp cho lô hàng đó.

Một số quy định cần lưu ý khi xuất khẩu thủy sản sang EU

• Quy định (EC) số  470/2009 quy định mức dư lượng tối đa đối với các chất/ hóa chất/ thuốc kháng sinh… trong thực phẩm có nguồn gốc động vật. Danh sách đầy đủ về các chất/ hóa chất/ thuốc và các quy định về mức dư lượng tối đa: xem tại Phụ lục của Quy định (EU) số 37/2010;

• Quy định (EC) số  396/2005 quy định mức dư lượng tối đa của Liên minh Châu Âu đối với thuốc trừ sâu. Ngoài ra, tất cả các quy định có liên quan đều được cập nhật trong một cơ sở dữ liệu công khai do Liên minh Châu Âu quản lý;

• Quy định (EC) số  1881/2006 quy định mức dư lượng tối đa đối với một số chất gây ô nhiễm môi trường như kim loại nặng, thủy ngân;

• Một số chất khác được Liên minh Châu Âu xếp vào nhóm phụ gia thức ăn chăn nuôi như coccidiostats và histomonostats, cũng có thể để lại dư lượng trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật được nuôi bằng thức ăn có chứa phụ gia.

Mặc dù các quy định của Liên minh Châu Âu rất phức tạp, nhưng không phải tất cả các loại dư lượng đều được Liên minh Châu Âu đề cập hoặc mô tả rõ ràng. Thỉnh thoảng, các quy định lại thay đổi khi các nhà chức trách châu Âu quyết định giám sát nghiêm ngặt hơn dư lượng các chất/ hóa chất/ thuốc kháng sinh nhất định nào đó.

Hàm lượng Chlorate trong thủy hải sản nhập khẩu là một trong những tồn dư được chú ý nhiều vào năm 2019; theo đó, mức dư lượng tối đa (MRL) sẽ được thắt chặt hơn. Cuối năm 2019, các nhà chức trách Đức đã phát hiện thấy hàm lượng Chlorate trong các sản phẩm thủy sản nhập khẩu, điều này làm dấy lên lo ngại về tính an toàn cho người tiêu dùng các sản phẩm này.

Do những lo ngại được nêu ra ở Đức, một cuộc tranh luận đã diễn ra để xác định mức độ Chlorate như thế nào là hợp lý. Cuộc tranh luận này có thể dẫn đến sự thay đổi mức độ Chlorate được chấp nhận trong thực phẩm xuất khẩu sang châu Âu. Thuốc trừ sâu gốc Chlorate đã bị cấm. Tất nhiên, những quy định đã thay đổi này có thể sẽ tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản. Vì vậy, các doanh nghiệp phải luôn ý thức cập nhật thông tin, chuẩn bị kỹ càng nhất có thể khi các quy định thay đổi được thực thi tại châu Âu.

Khi ngành công nghiệp thủy sản ngày càng phát triển, các nhà chức trách sẽ nhận thức rõ hơn về các vấn đề ảnh hưởng đến việc kinh doanh, thương mại thủy hải sản, chẳng hạn như vấn đề dư lượng được tìm thấy trong các sản phẩm thủy sản nhập khẩu và việc ghi nhãn của những chất đó.

Dự đoán, các quy định của châu Âu sẽ càng ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Chlorate chỉ là một ví dụ; một ví dụ khác là việc sử dụng kháng sinh trong thủy sản nuôi trồng, các quy định có liên quan đến vấn đề này cũng liên tục thay đổi. Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) kỳ vọng rằng hoạt động buôn bán thủy sản sẽ được quản lý và kiểm soát hoàn toàn vào năm 2030.

Ngọc Thúy (t/h)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác