Ngành Nông nghiệp đã tạo đà bứt tốc đúng hướng (02-06-2022)

Ngày 27/5/2022, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Toạ đàm “Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững” để cùng nhìn nhận lại, đánh giá khách quan bức tranh tổng thể của nền kinh tế và quan trọng nhất là kiến tạo nhiều mảng màu tươi sáng hơn trong thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Ngành Nông nghiệp đã tạo đà bứt tốc đúng hướng
Ảnh minh họa

Khách mời tham dự Toạ đàm có các đồng chí: Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội. Chia sẻ những nhận định, đánh giá và quan điểm, các khách mời tại Tọa đàm đều khẳng định: Bức tranh kinh tế - xã hội qua nét vẽ chính sách, đâu đó vẫn còn những khó khăn, những câu chuyện cần giải quyết triệt để vì hệ luỵ của đại dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế bắt đầu khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực.

Đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 50 tỷ USD

Nhìn toàn cảnh bức tranh kinh tế năm 2021, nét chấm phá rất đáng ghi nhận là xuất khẩu nông lâm thủy sản đã cán mức kỉ lục (48,6 tỷ USD). Đây là tín hiệu cho thấy ngành Nông nghiệp tạo đà bứt tốc đúng hướng. 5 tháng đầu năm 2022, ngành Nông nghiệp đầy rẫy những khó khăn như COVID-19, vấn đề thông cửa khẩu, đứt gẫy chuỗi cung ứng, đứt gẫy nguồn nguyên liệu nhập khẩu vật tư đầu vào, nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 23,2 tỷ USD, nhập khẩu 18,1 tỷ USD, xuất siêu 5,1 tỷ USD.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định: “Để đạt được kết quả đó, chúng tôi tự tin trong việc cấu trúc nền nông nghiệp hay chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Những phản ứng kịp thời, đúng và trúng đã tạo nên nét chấm phá của kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chứ không phải chúng ta bán cái gì mà chúng ta có”. Phân tích rõ hơn, Việt Nam không có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho người nông dân mà thực hiện hỗ trợ thông qua thị trường để kích hoạt thị trường, khi đó, khơi thông dòng chảy nông sản. Đây là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, tháo gỡ thị trường là quyết sách, điểm sáng nhất của Chính phủ. Nước ta đã đàm phán với Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… và nông sản của Việt Nam bắt đầu đến được các thị trường đó một cách tự tin. Tuy nhiên, để tránh tình trạng làm ăn manh nha, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần lập một chiến lược tổng thể cho từng loại thị trường.

Một điểm sáng nữa là bảo đảm an ninh lương thực

Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, Việt Nam là một trong những nước giữ vững được an ninh lương thực quốc gia và thậm chí còn xuất khẩu gạo vào nhóm hàng đầu thế giới. Để phát huy kết quả tích cực trên một cách bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định yêu cầu cấp thiết là phải tích cực nâng cao vị thế,  không chỉ xuất khẩu vì kinh tế mà nâng cao vị thế với khẩu hiệu "Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm". Cùng với đó, nước ta phải cân đối xuất khẩu sản lượng, bảo đảm mục tiêu chuyển đổi nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cân đối giữa sản lượng, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, làm sao dung hoà ngắn hạn, dài hạn, hướng tới nền nông nghiệp xanh. Trong ngắn hạn, hướng tới mục tiêu xuất khẩu giá tốt, thu nhập người nông dân tương ứng tăng theo, không tăng sản lượng đánh đổi môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan định kỳ cùng nhau họp, nắm bắt thông tin, cân đối cung cầu trong nước, định mức xuất khẩu, thay đổi tư duy cách tiếp cận an ninh lương thực, bảo đảm cuộc sống gắn liền cơ cấu kinh tế. 

Ngọc Thúy (dangcongsan.vn)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác