Kon Tum: Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (02-06-2022)

Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch được xây dựng với định hướng phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn hiện hiện đại và nông dân văn minh.
Kon Tum: Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ảnh minh họa

Mục tiêu chung của Kế hoạch là hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời với phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế của từng địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; Triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án, Dự án về phát triển nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh, đưa ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp ngày càng cao cho tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh. Phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nông lâm thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái rừng, cải thiện sinh kế cho người dân.

Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030: tốc độ tăng trưởng bình quân của nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,21% giai đoạn 2021-2025, chiếm tỷ trọng 19-20% trong cơ cấu kinh tế; phát triển Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác đạt 25.000 ha, trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia; nâng độ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 64%; diện tích nuôi trồng thủy sản 1.700ha, số lồng nuôi 800 lồng, sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 5.000 tấn; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25-30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2050, ngành nông nghiệp của tỉnh Kon Tum trở thành ngành kinh tế kỹ thuật gắn với công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường; đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, Kế hoạch đã xác định 08 nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong thời gian tới: Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững; thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến; phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống; phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn; xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Kế hoạch đã đưa ra các giải pháp chính như: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản; xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro; đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới.

Ủy ban nhân tỉnh Kon Tum giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch; tham mưu cho Ủy ban nhân tỉnh định kỳ hoặc đột xuất, hàng năm, sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm tình hình thực hiện Kế hoạch, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cấp có thẩm quyền.

Ánh Nguyệt

Ý kiến bạn đọc

Tin khác