Hướng dẫn thực hành Luật Lao động trong ngành Thủy sản – Phần 7, hết (18-05-2022)

Bất cứ người lao động nào cũng có mong muốn được làm việc trong môi trường làm việc an toàn, có điều kiện vệ sinh tốt. Tuy nhiên, vấn đề an toàn và vệ sinh lao động đâu đó vẫn còn bỏ ngõ ở các tàu thuyền khai thác, trang trại nuôi trồng thủy sản.
Hướng dẫn thực hành Luật Lao động trong ngành Thủy sản – Phần 7, hết
Ảnh minh họa

Hiện các tàu khai thác cá ở Việt Nam nhìn chung đã có nhiều tiến bộ trong việc đảm bảo an toàn sản xuất trên biển cũng như điều kiện vệ sinh tốt hơn vì công tác đăng kiểm được thực hiện định kỳ. Hệ thống liên lạc thông tin toàn quốc được cũng cố và các tàu thuyền đều có điện thoại di động để kết nối với hệ thống đó. Các tàu thuyền từ 15m trở lên đều lắp máy giám sát hành trình. Điều kiện vệ sinh trong sinh hoạt cũng đã được cải thiện ít nhiều.

Một số trang trại nuôi trồng thủy sản cũng đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, ASC, BAP- là những tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế - nghĩa là đảm bảo các điều kiện an toàn lao động cũng như điều kiện vệ sinh trang trại và các tiêu chí khác. Tuy vậy, vấn đề an toàn và vệ sinh lao động vẫn khá bất cập ở các tàu thuyền khai thác, trang trại nuôi trồng thủy sản. Điều này có liên quan tới đầu tư nâng cấp, đồng thời cũng liên quan tới nhận thức của người sử dụng lao động, cũng như người lao động.

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Lao động 2019, Chương IX: An toàn lao động, Điều 132. Tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đã quy định: Người sử dụng lao động, người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất, kinh doanh phải thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 134. Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Người lao động có trách nhiệm chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động; tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Ngoài ra, Điều 5 Luật An toàn vệ sinh lao động cũng đã quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động; tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động phải tham vấn ý kiến tổ chức công đoàn, hiệp hội hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Hội đồng về an toàn, vệ sinh lao động các cấp trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động.

Môi trường làm việc an toàn trên tàu cá

Các yếu tố được xem là cần thiết để đảm bảo rằng tàu cá an toàn, gồm: Tàu thuyền khai thác có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên, có đăng kiểm đang còn hạn. Chủ tàu vẫn duy trì điều kiện an toàn như tại thời điểm được công nhận an toàn của cơ quan đăng kiểm. Mặt khác, trên tàu cá cần trang bị những dụng cụ, phương tiện tối thiểu sau để đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển:

Hệ thống đèn tín hiệu, cờ hiệu, âm hiệu hoạt động tốt; Có phao cứu sinh cho từng thành viên, đặt ở vị trí dễ dàng lấy được; Có bình cứu hỏa đặt ở vị trí thuận lợi; Có tủ thuốc thông dụng; Hệ thống điện trên tàu an toàn; Máy động lực an toàn, buồng máy sạch sẽ, có lưới bảo hiểm ngăn cách ở phần động lực; Có các dụng cụ công cụ cơ bản để sửa chữa máy móc, thiết bị trên tàu khi sự cố xảy ra; Hệ thông liên lạc trực tuyến hoạt động tốt.

Cùng với đó, trên tàu cá cũng cần có những tài liệu, thông tin cần thiết để hoạt động trên biển được an toàn: Có nội quy phòng chống cháy nổ trên tàu khai thác; Có quy định an toàn sử dụng đối với các máy móc phụ trợ (cần cẩu, máy kéo lưới...); Có quy trình chống đắm, chống thủng; Có hướng dẫn an toàn lao động trên biển cho ngư dân, phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân khi có sự cố mất an toàn xảy ra; Có hướng dẫn sử dụng, bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân; phương tiện phòng cháy, chữa cháy; các loại thuốc thiết yếu, phương tiện sơ cứu, cấp cứu tại chỗ. Chủ tàu phải thông báo những ngư cụ không được sử dụng, hình thức khai thác bất hợp pháp và cung cấp các số điện thoại liên lạc khẩn cấp, liên lạc với các trạm cảnh báo thiên tai cho từng thành viên trên tàu...

Trước khi tàu ra biển, nếu có thông báo bão, thiên tai thì chủ tàu cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão chuyên ngành Thủy sản của địa phương. Trong trường hợp có thông báo cấm biển thì không được cho tàu ra biển.

Khi có bão/ áp thấp nhiệt đới xuất hiện, chủ tàu hoặc thuyền trưởng cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, các thông báo về bão của các cơ quan chức năng để nắm rõ về hướng đi, vận tốc, cấp, vùng ảnh hưởng của tâm bão. Chủ động điều tàu dịch chuyển ra xa đường di chuyển của tâm bão, hoặc đưa tàu vào các khu neo đậu tránh trú bão. Không di chuyển cắt ngang đường đi của tâm bão. Khi tàu ở gần tâm bão cần hạ thấp tất cả các vật nặng xuống các hầm hàng, mặt boong, chằng, buộc không để chúng bị dịch chuyển, gia cố chặt các nắp hầm hàng, cửa sổ cửa chính của cabin, chuẩn bị phao áo phao bè đề phòng bất chắc khi tàu gặp sự cố phải liên lạc với các đài thông tin duyên hải/ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Trung ương và địa phương để xin sự giúp đỡ.

Khi tàu thuyền trên biển gặp các sự cố ngoài ý muốn (tàu hỏng, bị tàu khác va chạm, v.v.), chủ tàu hoặc thuyền trưởng cần xử lý tình thế tránh tàu bị chìm đắm, tàu bị quay ngang sóng dẫn đến nguy cơ chìm đắm, nhằm kéo dài thời gian chờ cứu hộ, cứu nạn. Chuẩn bị các thiết bị cứu sinh, nước ngọt, lương thực trong trường họp phải rời tàu. Phát tín hiệu cấp cứu, liên lạc ngay với các tàu thuyền gần nhất để kêu gọi cứu nạn, cứu hộ. Liên lạc ngay với đài thông tin duyên hải, cơ quan tìm kiếm cứu hộ trung ương để kêu gọi cứu nạn, cứu hộ.

Người lao động bị ốm đau, tai nạn trong lúc đang làm việc

Khi người lao động bị ốm đau, tai nạn…trong lúc đang làm việc, người sử dụng lao động cần cho phép thực hiện các biện pháp sơ cứu, cấp cứu trên tàu nếu trên tàu có người hiểu biết về kỹ năng sơ cấp cứu (nếu không chỉ được sơ cấp cứu khi có hướng dẫn của người có chuyên môn). Thông báo cứu nạn đến các tàu gần nhất; thông báo cứu nạn đến đài Thông tin duyên hải, cơ quan cứu hộ cứu nạn Trung ương.

Các tàu cá phải đảm bảo các tiêu chí sau mới được xem là hợp vệ sinh: Có nhà vệ sinh tự hoại. Bếp nấu ăn đảm bảo vệ sinh. Có thùng rác để gom rác sinh hoạt và các loại thải loại khác. Có kho lạnh bảo quản thực phẩm tươi sống, hợp vệ sinh. Có đầy đủ nguồn nước sạch cho ăn uống trong suốt thời gian làm việc trên biển.

Để đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho người lao động trên biển, thì phải dùng thực phẩm tươi đã được chuẩn bị từ ở nhà, được bảo quản trong kho lạnh. Không ăn các loại hải sản bị cấm (cá nóc…). Không ăn hải sản mà không biết từ trước. Thông báo những loài thủy hải sản có độc tố như cá nóc... Có hướng dẫn để không ăn những loài thủy sản chưa biết.

Tại các trang trại thủy sản, công ty nuôi trồng thủy sản

Những yếu tố sau được xem là cần thiết để đảm bảo rằng làm việc trong trang trại thủy sản, công ty nuôi trồng thủy sản là an toàn: Có sơ đồ quy hoạch mặt bằng với các phân khu chức năng hợp lý bao gồm: Khu giống, nuôi thương phẩm tương đối độc lập với các khu vực phục vụ và hậu cần. Hệ thống cấp, thoát nước tách biệt có không gian để xử lý nước thải; Có khu riêng để xử lý tôm cá/chết. Khu vực thiết bị phục vụ như máy bơm/ máy nổ, máy phát điện dự phòng được quy hoạch, đặt ở vị trí cách biệt thoáng , an toàn tránh việc dầu thải ra ao, cản trở, mất an toàn trong sản xuất. Khu vực hậu cần như kho thức ăn, kho vật tư thiết bị đặt gần khu sản xuất. Khu văn phòng, sinh hoạt của cán bộ được đặt cách các khu sản xuất và khu hậu cần, dịch vụ.

Những dụng cụ, phương tiện cần có trong trang trại để đảm bảo an toàn khi làm việc, gồm: Hệ thống cấp điện an toàn (cấp cho máy bơm, quạt nước, điện sinh hoạt). Có tủ thuốc thông dụng đặt nơi dễ tiếp cận. Có bảo hộ lao động (kính mắt, găng tay, khẩu trang) cho công việc xử lý ao nuôi. Có kho lưu giữ hóa chất, chế phẩm sinh học đảm bảo an toàn. Có các phương tiện phòng chống cháy, nỗ ở những nơi có khả năng (nhà, xưởng, văn phòng, bốt canh...). Các thiệt bị cơ khí (máy bơm, máy phát điện dự phòng, quạt nước….) hoạt động tốt, an toàn. Có đẩy đủ dụng cụ sửa chữa điện, máy khi bị hư hỏng.

Ngoài ra còn cần có những tài liệu, thông tin cần thiết để khi làm việc được an toàn: Có các số điện thoại liên lạc với các cơ quan phòng cháy, chữa cháy; bệnh viện gần nhất; cơ quan công an địa phương; chính quyền địa phương. Có nội quy phòng cháy chữa cháy và sơ đồ sơ tán. Có các biện pháp đảm bảo an toàn cháy nổ điện, khí ga, máy bơm, máy phát điện (có các phương tiện chữa cháy). Có nội quy an toàn lao động được treo ở nơi mọi người có thể đọc được, được phổ biến cho mọi người và phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng người khi có sự cố xảy ra.

Trang trại được xem là hợp vệ sinh khi có nhà vệ sinh sạch sẽ. Nhà ăn/căng tin sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh. Có nước sạch cho sinh hoạt. Có hệ thống điện an toàn cho sinh hoạt. Có chỗ ăn ở cho công nhân, cán bộ cơ hữu (người làm thường xuyên).

Tư vấn của chuyên gia

Người lao động, cần nâng cao nhận thức và thực hiện tốt về an toàn và vệ sinh lao động để một mặt giữ an toàn cho bản thân, mặt khác góp phần tránh mất mát, thiệt hại cho người sử dụng lao động. Về phía người sử dụng lao động, nên xem việc đảm bảo các điều kiện an toàn và vệ sinh lao động trên tàu khai thác, trong trang trại nuôi thủy sản là một đầu tư hữu ích, vì đầu tư đó vừa đáp ứng yêu cầu của luật pháp hiện hành, vừa làm giảm rủi ro mất mát, thiệt hại (đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam).

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác