Chủ động ứng phó với thiên tai trong dịp tết Nguyên đán 2022 (26-01-2022)

Nhằm chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại, đề phòng tình huống xảy ra dông lốc, mưa đá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tương tự Tết Canh Tý 2020 và vùng áp thấp có khả năng vào Biển Đông, vừa qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang về việc ứng phó với thiên tai trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Chủ động ứng phó với thiên tai trong dịp tết Nguyên đán 2022
Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng đêm 28-29/01 (26-27 tháng chạp), các tỉnh miền Bắc có khả năng chịu ảnh hưởng của một đợt gió mùa Đông Bắc mạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa dông, từ ngày 29/01 (27 tháng chạp) có khả năng xảy ra rét đậm, vùng núi rét hại và có khả năng kéo dài liên tục trong những ngày Tết. Khoảng ngày 26-27/01, một vùng áp thấp trên vùng biển phía Nam của Philippin đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Nam Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Do đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Đối với đất liền các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh rét đậm, rét hại, băng giá, mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra trong những ngày tới.

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là chuẩn bị phương tiện, vật tư (vải bạt, tấm lợp các loại) và lực lượng xung kích tại cơ sở sẵn sàng huy động giúp dân khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và đón tết được an toàn; chủ động triển khai các biện pháp an toàn cho người, cây trồng và vật nuôi, đặc biệt là đối với vùng núi cao có khả năng nhiệt độ xuống thấp; chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch, cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Các tỉnh, thành phố, địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó với rét đậm, rét hại, mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh như: gia cố mái nhà hiện dùng vật liệu dễ bị lốc, vỡ (proximăng, ngói), che chắn bảo vệ vật dụng trong nhà, rau màu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại.

Đối với trên biển, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của vùng áp thấp và gió Đông Bắc; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, ngoài ra chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới thì tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới để giữ an toàn cho người và tàu thuyền.

Tổ chức thường trực, theo dõi tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại, tổng hợp báo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Ánh Nguyệt

Ý kiến bạn đọc

Tin khác