ICAFIS: Tập huấn “Hướng dẫn làm hồ sơ và đăng ký sản phẩm OCOP” (12-01-2022)

Khởi động cho năm mới 2022, ngày 12.1, tại Trung tâm hội nghị Toàn Thịnh (thành phố Sóc Trăng), Trung tâm ICAFIS đã phối hợp với Chi cục Thủy sản và Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức tập huấn “Hướng dẫn làm hồ sơ và đăng ký sản phẩm OCOP”cho các hợp tác xã.
ICAFIS: Tập huấn “Hướng dẫn làm hồ sơ và đăng ký sản phẩm OCOP”

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là: One Commune One Product, gọi tắt là chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Theo Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS) thì Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm chính là cơ sở và nền tảng để thúc đẩy các hợp tác xã phát huy tiềm năng của mình thông qua việc sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, để đáp ứng được các yêu cầu của OCOP thực sự không đơn giản do các tiêu chí, yêu cầu khá cao, đòi hỏi những kiến thức, năng lực nhất định. Trong khi đó năng lực của Ban Quản trị hợp tác xã và các thành viên còn hạn chế nên đã gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.

Xuyên suốt quá trình tập huấn “Hướng dẫn làm hồ sơ và đăng ký sản phẩm OCOP”, cán bộ của Chi cục đã nhiệt tình hướng dẫn cho bà con nông ngư dân về quy trình nộp hồ sơ, giấy tờ, những chứng nhận cần có, tiêu chí chấm điểm, đánh giá sản phẩm, cũng như đề cập 05 hạng sao trong việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Đợt tập huấn lần này không chỉ có sự tham gia trực tiếp của các thành viên hợp tác xã ở Sóc Trăng mà còn có sự tham gia trực tuyến của đại diện các hợp tác xã nuôi nghêu tỉnh Trà Vinh đang có nhu cầu tìm hiểu và đăng kí phát triển sản phẩm OCOP.  

Theo đó, các hợp tác xã sẽ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Đồng thời, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

Sản phẩm OCOP hướng tới tiêu chuẩn chất lượng quốc tế

Chương trình OCOP đã được triển khai ở toàn bộ khu vực nông thôn trong toàn quốc, khuyến khích các địa phương tùy vào điều kiện thực tiễn, triển khai phù hợp ở khu vực đô thị. Tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; triển khai thực hiện từ 8-10 mô hình Làng văn hóa du lịch; triển khai xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở những vùng có đủ điều kiện; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP.

Phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP; đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP; đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 1.200 cán bộ quản lý nhà nước (cấp trung ương, tỉnh, huyện) thực hiện chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP.

Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững mong muốn rằng, buổi tập huấn lần này cũng như các buổi tập huấn, các cuộc hội thảo tương tự về chủ đề OCOP sẽ giúp các hợp tác xã phấn đấu đạt được “Hạng 5 sao” có số điểm từ 90-100, sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác