Đảng ủy Tổng cục Thủy sản tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021, đề ra các giải pháp thực hiện mục tiêu trong năm 2022 (10-01-2022)

Ngày 10/01/2021, tại Hà Nội, Đảng ủy Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tổng kết công tác năm 2021, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2022”, nhằm đánh giá những kết quả đạt được và đề ra những giải pháp thực hiện nhiệm vụ để đạt được các mục tiêu chính trị đề ra trong năm 2022.
Đảng ủy Tổng cục Thủy sản tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021, đề ra các giải pháp thực hiện mục tiêu trong năm 2022

Tham dự Hội nghị, có đại diện Ban Chấp hành Đảng ủy Tổng cục Thủy sản, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, các đồng chí đảng viên của các Chi bộ trực thuộc Đảng ủy Tổng cục.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Thủy sản và đồng chí Trần Đình Luân, Phó Bí thư Đảng ủy Tổng cục Thủy sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã chủ trì Hội nghị.

Năm 2021, làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ cuối tháng tư và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản. Trong điều kiện và bối cảnh đó ngành Thủy sản tiếp tục nỗ lực khắc phục các khó khăn để vươn lên và tiếp tục được khẳng định là thành tố quan trọng trong đóng góp chung về kết quả tăng trưởng kinh tế của toàn Ngành và cả nước.

Trong bối cảnh chung, ngành Thủy sản luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và trực tiếp của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, sự hỗ trợ của các đơn vị và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con ngư dân trên cả nước để vượt qua những khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Tại Hội nghị, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021 và các giải pháp trọng tâm thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm 2022, đồng chí Trần Đình Luân cho biết, năm 2021, Đảng ủy Tổng cục Thủy sản cùng với Chính quyền đã kịp thời chỉ đạo đồng bộ từ nhiệm vụ chính trị và công tác đảng.

Theo đó, đã hướng dẫn kịp thời về mùa vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản; tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng; duy trì hoạt động sản xuất đồng thời thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Theo đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản và tổng sản lượng thủy sản năm 2021 đã tăng so với 2020.

Đã triển khai xây dựng các chương trình, dự án phục vụ cho phát triển Ngành trong Chiến lược phát triển ngành thủy sản. Tiếp tục triển khai đồng bộ công tác hướng dẫn, đưa Luật Thủy sản vào cuộc sống. Thực hiện kiểm tra giám sát các địa phương để đẩy nhanh việc khắc phục các tồn tại hạn chế về chống khai thác IUU.

Kết thúc năm 2021, ngành Thủy sản đã đạt được những kết quả rất tích cực, năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 3,01% so với năm 2020, tổng sản lượng đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020 (8,64 triệu tấn), trong đó sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% với năm 2020 (3,88 triệu tấn), nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1% với năm 2020 (4,76 triệu tấn). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020 (8,41 tỷ USD), đạt 104,6% so kế hoạch (8,5 tỷ USD).

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thủy sản đang phải đối mặt không ít những thách thức khó khăn như: Tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển khai thác thủy sản một số nước trong khu vực chưa chấm dứt; hạ tầng thủy sản chưa được đầu tư đồng bộ, ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả thực hiện chống khai thác IUU của Việt Nam.

Nguồn lợi thủy sản suy giảm, hiệu quả sản xuất của nghề khai thác hải chưa tăng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác còn hạn chế.

Mặt khác, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão thiếu. Cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành còn thiếu và chưa đồng bộ. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm: (i) đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng vật tư, nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; (ii) hoạt động vận chuyển con giống, thức ăn, vật tư... bị dán đoạn; (iii) một số nhà máy chế biến phải dừng sản xuất do có công nhân bị nhiễm covid-19.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động (đặc biệt là lao động có tay nghề cao) cả trong khai thác và nuôi trồng và chế biến thủy sản đã và đang phổ biến ở nhiều địa phương.

Bên cạnh, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, Đảng ủy Tổng cục Thủy sản đã tập trung thực hiện nâng cao công tác xây dựng Đảng. Thực hiện nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương; triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chỉ đạo tổ chức đảng nghiên cứu, phổ biến, quán triệt đến toàn thể CCVCNLĐ về “nâng cao công tác chính trị tư tưởng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”;…Đặc biệt, trong năm 2021, đã khai thực hiện Nghị quyết 02 và Hướng dẫn 09 của ĐU Bộ, Đảng ủy Tổng cục đã cụ thể hóa việc triển khai thực hiện đối với các chi bộ, đảng bộ trực thuộc. Đã phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm túc tại tất cả các tổ chức đảng: (i) Xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề, lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề; (ii) Tổ chức sinh hoạt chi bộ, đảng bộ theo đúng trình tự, đảm bảo đủ nội dung; (iii) Việc đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề và ý kiến phản ảnh của cấp ủy cấp trên dự sinh hoạt chi bộ được thực hiện nghiêm túc.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản đã nhất trí cao những nội dung đánh giá trong báo cáo. Thực hiện Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, theo định hướng giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp nâng cao năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản, để phát triển bền vững lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trong năm 2022, cần tập trung giải pháp nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Chính vì vậy, trong năm 2022, trong chỉ đạo điều hành cần tổ chức một số hội nghị chuyên đề về nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm thủy sản.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra đánh giá cao sự chỉ đạo sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng ủy Tổng cục Thủy sản trong công tác tổ chức sinh hoạt Đảng và sinh hoạt chuyên đề hàng tháng.

Liên quan đến công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị trong năm 2022, đồng chí Huệ cho rằng cần đưa vào những giải pháp về kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản để bảo vệ động vật có vú, truy xuất nguồn gốc phù hợp với các yêu cầu, quy định quốc tế và giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản bền vững các sản phẩm thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, cho rằng theo định hướng trong Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là giảm dần sản lượng khai thác thủy sản là một vấn đề lớn, cần thay đổi tư duy trong quản lý. Chính vì vậy, lĩnh vực khai thác cần tập trung những giải pháp nhằm nâng cao giá trí gia tăng, giảm tổn thất sau thu hoạch, tập trung nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng nghề cá, trong đó cần bố trí nguồn lực để xây dựng 05 trung tâm nghề cá lớn. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết để nâng cao giá trị gia tăng.

Phát biểu Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Nguyệt đã nhấn mạnh, ngành Thủy sản đã trải qua một năm 2021 đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động chỉ đạo điều hành cũng như hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ, của các Bộ, ngành đại phương cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng ủy Bộ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, doanh nghiệp, người dân đã nỗ lực, kiên cường vượt qua những khó khăn thách thức, đã duy trì đà tăng trưởng và đạt được các mục tiêu kế hoạch đặt ra.

Về thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong năm 2022, đồng chí Nguyễn Thị Thu Nguyệt chỉ đạo cần thực hiện các giải pháp đồng bộ thực để thực hiện có hiệu quả các định hướng, mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tập trung thực hiện các mục tiêu tăng trưởng chung của ngành đã đề ra.

Tập trung các giải pháp cấp bách tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu đối với sản phẩm khai thác của Việt Nam.

Về công tác xây dựng Đảng, tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Nghị quyết số 02-NQ/ĐU và hướng dẫn số 09-HD/ĐU gắn với bổ sung một số nội dung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị trong sinh hoạt chuyên đề của chi bộ.

Nghiên cứu triển khai thực hiện chuyên đề phát triển tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, nâng cao tính tự giác, gương mẫu của các đảng viên trong năm 2022.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác