Hợp tác công - tư: Nền tảng thúc đẩy kinh tế ngành hàng tôm (15-10-2021)

Ngày 8/10/2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chủ trì Hội nghị Đối tác Phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV). Hội nghị thu hút hơn 100 đại biểu tham gia là các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp trong nước và tổ chức trong nước và quốc tế, Đại diện Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các Nhóm công tác PPP.
Hợp tác công - tư: Nền tảng thúc đẩy kinh tế ngành hàng tôm

Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) được thành lập năm 2010 theo “Sáng kiến tầm nhìn mới cho Nông nghiệp” hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững; tăng 20% năng suất, giảm 20% đói nghèo, và giảm 20% phát thải trong sản xuất nông nghiệp (mục tiêu 20-20-20).

Nhóm đối tác Công – Tư ngành thủy sản (PPP Thủy sản) là 1 trong 8 nhóm thuộc PSAV, do Tổng cục Thủy sản làm Trưởng nhóm và Hiệp hội Chế biển và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) là đồng Trưởng nhóm, được thành lập ngày 01/12/2020, theo Quyết định số 4858/QĐ-BNN-HTQT của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT để gia hạn Nhóm PPP Thủy sản thành lập năm 2015 với 7 thành viên, với mục tiêu hợp tác thúc đẩy phát triển và sản xuất thủy sản theo hướng bền vững và có trách nhiệm theo định hướng hội nhập của Việt Nam. Tuy vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cơ cấu dự kiến gồm 05 ngành hàng là cá Tra, Tôm, cá Ngừ, Rong tảo biển, nuôi biển và 01 nhóm môi trường thủy sản, nhưng PPP Thủy sản đã thu hút sự quan tâm, đăng ký tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp như: Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế - IUCN, tổ chức  quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam – WWF Việt Nam, tổ chức Hợp tác Đức - GIZ, tổ chức sáng kiến thương mại bền vững – IDH, Seafood Task Force INC, công ty TNHH Bosch Việt Nam, công ty CP WARRANTEK…

Mô hình PPP đã được thể chế hóa tại Việt Nam và được đánh giá là mô hình có triển vọng thúc đẩy sản xuất bền vững. Đối với PPP Thủy sản, nhóm ngành hàng tôm (SWG) được xem là nhóm tiền đề quan trọng trong điển hình Hợp tác công tư, SWG do ba bên đồng trưởng nhóm gồm: Tổng cục Thủy sản, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và GIZ; mục tiêu của SWG là tối ưu hóa các cơ hội phát triển, đẩy mạnh hợp tác cả về chính sách và thực hành sản xuất tốt đối với ngành tôm Việt Nam để nâng cao giá trị và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Nếu chúng ta triển khai tốt Hợp tác theo hình thức đối tác công - tư thì đây là cơ chế có thể giúp hiện đại hóa ngành thủy sản dựa trên việc huy động nguồn lực và dòng vốn đầu tư và kiến thức, kỹ năng quản trị từ khu vực tư nhân và đối tác phát triển để giúp khu vực công đổi mới theo định hướng phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả. Với đặc thù ngành tôm vẫn còn nhiều thách thức, trong khi cần phải đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao và số hóa thì giải pháp hợp tác quốc tế, khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua cơ chế đối tác công - tư (PPP) là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm thức đẩy phát triển ngành hàng tôm trở thành ngành kinh tế chủ đạo tại khu vực trọng điểm như ĐBSCL và góp phần phát triển ngành thủy sản một cách bền vững hơn” Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, TS. Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, với chủ đề “PPP: Nền tảng để thúc đẩy kinh tế ngành hàng tôm”, đại diện cho Nhóm ngành hàng Tôm, ông Ngô Tiến Chương - Điều phối các Dự án Thủy sản của GIZ đã có bài trình bày đề cập đến việc đẩy mạnh Hợp tác khối công, khối tư nhân và các bên khác như Tổ chức quốc tế để thúc đẩy và thiết lập chuỗi cung ứng, nâng cao trách nhiệm, kiểm soát chất lượng trong sản xuất tôm bền vững và hạn chế các rủi ro của thị trường, người sản xuất.

Có thể khẳng định, Tôm là đối tượng có tiềm năng về nguồn đất, nước phù hợp nuôi nhiều loài đa dạng, nguyên liệu ổn định; công nghệ chế biến hiện đại; sản phẩm đa dạng, tăng sản phẩm giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, ngành tôm có thế mạnh tôm sú, tôm cỡ lớn, tôm sinh thái cùng với việc hưởng thuế ưu đãi theo các FTA, được ưa chuộng ở cả thị trường thế giới và nội địa.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng có những thách thức, bất cập như: Các vùng nuôi không tập trung, khó quản lý chất lượng và thu mua, đều qua thương lái; Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; Giá thành sản xuất cao hơn Ấn Độ, Ecuador; Thuế chống bán phá giá (CBPG); Chương trình giám sát thuỷ sản nhập khẩu vào Hoa Kỳ (SIMP); Các quy định về môi trường ngày càng nghiêm ngặt, các chi phí đầu vào khó kiểm soát... Chính vì thế, ngành hàng tôm cần sự phối hợp cả về tư duy thị trường và đổi mới sáng tạo sản xuất để tăng cường hội nhập, nâng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, nhóm SWG đang thực hiện một số dự án với sự phối hợp của các đối tác như Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn Lộc Trời... Trong đó có dự án tiêu biểu như: Mô hình Thúc đẩy mô hình Lúa-Tôm và Tôm-Rừng bền vững đạt chứng nhận hữu cơ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là mô hình thích ứng tốt nhất với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn tại ĐBSCL, đồng thời góp phần mở rộng cơ hội phát triển thị trường: thị trường EU đã tăng từ 2% (năm 2016) lên 5% (năm 2020) sử dụng sản phẩm hữu cơ. Theo đánh giá, đây là mô hình mà bà con nông dân dễ thích nghi khi triển khai các yêu cầu về Chứng nhận với sự tham gia tích cực của Doanh nghiệp và các Tổ chức phát triển.

Bên cạnh đó, Nhóm SWG cũng xây dựng Quy chế hoạt động và đề xuất các định hướng trong thời gian tới: (1) Đẩy mạnh các giải pháp công nghệ nuôi tôm công nghệ cao, tôm sinh thái; (2) Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm tôm thế mạnh: tôm sú size lớn, tôm sinh thái, tôm chế biến; (3) Kết nối và đẩy mạnh thị trường tiềm năng (thị trường có FTA); (4) Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; (5) Tăng cường quản lý và giám sát chất lượng môi trường; (6) Nâng cao năng lực cho người nuôi để đáp ứng các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, bền vững về môi trường và xã hội trong sản xuất.

Theo VASEP dự tính tới năm 2025, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt 12 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn 5 năm (từ năm 2020 đến 2025). Khối lượng xuất khẩu tới năm 2025 tương đương khoảng 6 triệu tấn. Trong đó, 4,7 đến 4,8 triệu tấn sản xuất trong nước, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước để sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu dự kiến khoảng 1,2 đến 1,3 triệu tấn (khoảng 2,4 đến 2,6 tỷ USD). Tuy nhiên, tôm vẫn được dự báo là tăng trưởng cao nhất, khoảng 5,5 tỷ USD.

Trong khuôn khổ Hội nghị PSAV, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chia sẻ về Sáng kiến Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (Food Innovation Hub) tại các vùng trọng điểm của Việt Nam. Đây là mô hình liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong nước và xuyên biên giới nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ kỹ thuật số thông qua đó thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh; mở rộng quy mô và đẩy nhanh việc chuyển đổi các hệ thống thực phẩm hiện tại của Việt Nam thành một cường quốc lương thực, thực phẩm “xanh”, bền vững, phát thải thấp.

Phương Dung (Vụ KHCN&HTQT)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác