Bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương (04-10-2021)

Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, dịch bệnh đang dần được kiểm soát và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương
Ảnh minh họa

Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%.

Khu vực nông - lâm - thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Đặc biệt, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2021, khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 12,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,03%; khu vực dịch vụ chiếm 40,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,99%. Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 4,27%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,21%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 18,46%.

Kết quả sản xuất nông - lâm - thủy sản

9 tháng năm 2021, sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông - lâm - thủy sản. Trước những khó khăn, thách thức, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa  thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Năng suất lúa đông xuân của cả nước năm nay tăng 2,2 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2020. Tính đến trung tuần tháng 9, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước bằng 99,8% cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo cấy lúa mùa miền Bắc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do các địa phương chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng; chuyển sang cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản...

Sản lượng thủy sản quý III/2021 ước tính đạt 2.281,4 nghìn tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 6.377,3 nghìn tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 3.320,1 nghìn tấn, giảm 1%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.057,2 nghìn tấn, tăng 0,7%.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp quý III/2021 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020.

Dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 9 có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Trong tháng 9/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký giảm 69,3%. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 15,3%.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tăng trưởng tín dụng đạt 7,17%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021. Kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng khá, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2021 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán cho nền kinh tế tăng 12%.

9 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước do nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng của hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20/9/2021 đăng ký cấp mới giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số vốn đăng ký tăng 20,6%..

Xuất, nhập khẩu

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 9 giảm 2% so với tháng 8. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước tính đạt 53,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%.

Ước tính tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu quý III/2021 ước tính đạt 83,89 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,2% so với quý II năm nay (tăng 7% so với quý I). Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 62,72 tỷ USD, tăng 8,5%, chiếm 26,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 177,8 tỷ USD, tăng 22,8%, chiếm 73,9%.

Trong 9 tháng năm 2021 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,2%). Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2021, nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 17,7 tỷ USD, tăng 17,6%; nhóm hàng thủy sản đạt 6,17 tỷ USD, tăng 2,4%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 69,8 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 38,5 tỷ USD, tăng 18,3%. Thị trường EU đạt 28,8 tỷ USD, tăng 11,6%. Thị trường ASEAN đạt 20,6 tỷ USD, tăng 21,2%. Hàn Quốc đạt 16,1 tỷ USD, tăng 11,4%. Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD, tăng 5,1%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 81,3 tỷ USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 40,2 tỷ USD, tăng 21,6%. Thị trường ASEAN đạt 30,7 tỷ USD, tăng 41,2%. Nhật Bản đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11,6%. Thị trường EU đạt 12,6 tỷ USD, tăng 19%. Hoa Kỳ đạt 11,7 tỷ USD, tăng 12,7%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9 ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,13 tỷ USD (trong đó: xuất siêu sang EU đạt 16,2 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 42,8 tỷ USD, tăng 70,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 24,1 tỷ USD, tăng 29,6%; nhập siêu từ ASEAN 10,1 tỷ USD, tăng 112,3%).

Một số tình hình xã hội

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm. Quý III/2021: lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020 đến nay (lần lượt là 3,72% và 4,39%). Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III/2021 ước tính là 47,5 triệu người, bao gồm 14,5 triệu người đang làm việc ở khu vực nông - lâm - thủy sản, chiếm 30,6% tổng số; tính chung 9 tháng năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49,1 triệu người, bao gồm 14,1 triệu người đang làm việc ở khu vực nông - lâm - thủy sản, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư, Chính Phủ đã ban hành các Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg để bảo đảm công tác an sinh xã hội và đời sống của nhân dân. Tính đến ngày 21/9/2021 tổng kinh phí đã hỗ trợ là gần 13,8 nghìn tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng, trong đó có 11,4 nghìn tỷ đồng được chi cho 23 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh (gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên và 19 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long); xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho hơn 2,4 triệu hộ gia đình gặp khó khăn do dịch trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã chi trên 5.446 tỷ đồng (chiếm 40% toàn quốc).

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương và đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác