Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt 417.000 tấn (26-09-2021)

UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt 417.000 tấn.
Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt 417.000 tấn
Ảnh minh họa

Với mục tiêu chung của Kế hoạch là xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tích hợp đồng bộ, lồng nghép, không trùng lặp, kế thừa kết quả thực hiện trong giai đoạn trước; ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030; xác định một số nhiệm vụ cụ thể, có tầm nhìn đến năm 2045 mang tính định hướng lâu dài, chiến lược để phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu,.. hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, đảm bảo đạt năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế,..

Cụ thể là phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt 417.000 tấn. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi đạt 342.300 tấn, sản lượng thủy sản khai thác đạt 74.700 tấn; tổng số tàu thuyền trong toàn tỉnh đạt 924 phương tiện, tàu khai thác xa bờ 374 phương tiện.

Đến năm 2030: tỉnh Sóc Trăng  sẽ tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ; thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy, hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt; ứng dụng công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng trong khai thác thủy sản, tận dụng các phụ phẩm thủy sản để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho cộng đồng ngư dân; hỗ trợ, tạo điều kiện để cộng đồng ngư dân ven biển chuyển đổi nghề từ các nghề cấm hoặc hạn chế sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng.

Tầm nhìn đến năm 2045: Thủy sản được xem là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực, góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm, an sinh xã hội, xây dựng các làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung của cả nước.

Từ định hướng trên, UBND tỉnh Sóc trăng đã đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm và 05 giải pháp quan trọng để thực hiện Kế hoạch. Cụ thể, về nhiệm vụ tổ chức sản xuất thủy sản:

Đối với bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản: điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng ven biển và nội đồng nhằm làm cơ sở cho việc bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản. Trong đó, ưu tiên điều tra khu vực tập trung các bãi giống, bãi đẻ của các loài thủy sản; tiếp tục thực hiện, củng cố các nhóm đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phát huy vai trò của cộng đồng ngư dân để tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Đồng thời, gắn với trách nhiệm cộng đồng trong công quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các loài thủy sản ven bờ.

Bảo tồn, tái tạo và bảo vệ mô hình nghêu bố mẹ trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản nghêu giống để phục vụ cho việc khai thác và phục hồi nguồn nghêu giống, hỗ trợ cân bằng sinh thái.

Khai thác thủy sản: áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, giảm tổn thất sau thu hoạch, thực hiện an toàn thực phẩm cho tàu cá và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển; cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản gắn với các ngư trường, phát triển hiệu quả các nghề khai thác thủy sản vùng khơi, giảm số lượng tàu cá khai thác thủy sản vùng ven bờ, chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác thủy sản vùng ven bờ sang khai thác tại vùng khơi hoặc các nghề khác phù hợp tại địa phương.

Tổ chức lại khai thác thủy sản vùng lộng, vùng ven bờ và khai thác thủy sản nội địa hợp lý; chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi thủy sản,..

Nuôi trồng thủy sản: tiếp tục phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng nuôi chủ lực tại tỉnh như tôm sú, tôm thẻ châm trắng, cá tra,.. và các loài thủy đặc sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng phục vụ vùng nuôi tôm công nghệ cao và các ngành nghề phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp nhằm tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, các mô hình phát triển nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ tiên tiến, giảm giá thành, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tốt để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Chế biến và thương mại thủy sản: áp dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm chế biến; đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ, tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, xuất xứ và nâng cao hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh; phát triển mở rộng thị trường nội địa, trọng điểm và tiềm năng, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực trao đổi, tiếp cận thông tin thị trường, thương mại thủy sản cho doanh nghiệp.

Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá: đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, dịch vụ hậu cần và công nghiệp phục vụ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa, chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thủy sản.

Ngoài ra, UBND tỉnh Sóc trăng đưa ra các nhiệm vụ như, tuyên truyền, triển khai kế hoạch; hoàn thiện tổ chức bộ máy, thể chế; xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch thực hiện ưu tiên; phát tiển, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển thủy sản gắn với ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

05 nhóm giải pháp quan trọng: (1) Bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành thủy sản; (2) Tổ chức sản xuất thủy sản; (3) Phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; (4) Tăng cường năng lực quản lý và đào tạo nguồn nhân lực; (5) Phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế.

Để quyết tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên một cách đồng bộ, hiệu quả, UBND tỉnh Sóc Trăng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lại sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá để tạo sự ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho người dân địa phương. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành để hướng dẫn các địa phương về phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản và ứng dụng khoa học công nghệ, thị trường hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực chế biến thủy sản, phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; tổ chức sản xuất có sự kết nối giữa các khâu, mô hình, lĩnh vực trong ngành thủy sản,..

Sở Công Thương: tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường các nước, khu vực đã và đang ký kết các Hiệp định thương mại tự do; phát triển, mở rộng thị trường nội địa, trọng điểm và tiềm năng; nâng cao năng lực trao đổi, tiếp cận thông tin thị trường, thương mại thủy sản cho doanh nghiệp,...

Sở Thông tin và Truyền thông: phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí trong tỉnh thông tin tuyên truyền sâu rộng nội dung Kế hoạch; phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển lĩnh vực thủy sản bền vững; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá để thủy sản Sóc Trăng phát triển và hội nhập quốc tế.

UBND các huyện, thị xã, thành phố: theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; tổ chức lại sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá để tạo ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho người dân địa phương,..

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác