Phấn đấu đến năm 2030, tổng sản phẩm trong tỉnh Cà Mau (GRDP) bình quân tăng 7%/năm (25-09-2021)

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân tăng 7%/năm.
Phấn đấu đến năm 2030, tổng sản phẩm trong tỉnh Cà Mau (GRDP) bình quân tăng 7%/năm
Ảnh minh họa

Nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết số 26/NQ-CP , Quyết định số 647/QĐ-TTg, Chương trình hành động số 40-CTr/TU; tăng cường trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành và địa phương có liên quan trong công tác triển khai, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau; mục tiêu của Kế hoạch là :

Phấn đấu đến năm 2030, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân tăng 7%/năm. Trong đó, các ngành kinh tế biển, thuần biển đóng góp khoảng 40% - 45% tổng thu ngân sách của tỉnh. 

 Đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, bao gồm cả hạ tầng các đô thị ven biển, ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến đường bộ kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển liên kết vùng; các tuyến vận tải đường biển kết nối Cà Mau với các trung tâm kinh tế, khu kinh tế, các cụm đảo, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, kinh tế đảo,..

Tầm nhìn đến năm 2045: phấn đấu là một trong những tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; các ngành nghề kinh tế biển phát triển theo hướng hiện đại, tăng trưởng xanh, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kế hoạch đã đưa ra các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường đến năm 2030; trong đó phấn đấu tổng sản lượng thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 đạt 3,3 triệu tấn, đến năm 2030 là 7,1 triệu tấn, tăng bình quân 3%/năm; kim ngạch xuất khẩu thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 đạt 5,65 tỷ USD, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 07 tỷ USD,..

Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau đã đưa ra 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, tư tưởng hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển bền vững kinh tế biển, nâng cao nhận thức về biển và hải đảo; (2) Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế biển và ven biển; (3) Kinh tế thủy sản; (4) Phát triển du lịch và dịch vụ; (5) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển khác; (6) Phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; (7) Kinh tế hàng hải; (8) Tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và tích hợp, lồng ghép giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong phát triển kinh tế - xã hội; (9) Phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển; (10) Tăng cường mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển; (11) Bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trong đó, đến năm 2030 phát triển kinh tế thủy sản là nhiệm vụ được các ngành, địa phương tập trung ưu tiên đầu tư phát triển. Cụ thể:

Về khai thác thủy sản: tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên biển, trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với các vùng biển, với môi trường tự nhiên và nguồn lợi hải sản theo hướng củng cố và phát triển các mô hình tổ đội sản xuất, hợp tác xã, các hình thức kinh tế tập thể, liên doanh, liên kết thật sự vì lợi ích của ngư dân, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững,…

Hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ mạnh để hoạt động khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương với các nước trong khu vực và gắn hoạt động khai thác hải sản với bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển; hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi từ các hoạt động khai thác thủy sản có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, các nghề cấm khai thác sang các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, ngành nghề du lịch, nuôi trồng thủy sản nhằm giảm cường lực khai thác hải sản trên các vùng biển.

Nuôi trồng thủy sản: hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, tạo sản lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu thủy sản uy tín, chất lượng cao; áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất giống, tập trung nguồn lực để tạo nguồn giống sạch bệnh đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng,..; phát triển mạnh nuôi các đối tượng chủ lực, các hình thức nuôi hữu cơ; mở rộng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh nhất là đối với các vùng nuôi tập trung.

Tổ chức điều tra nguồn lợi thủy sản, các khu vực biển tiềm năng để thành lập mới các khu bảo tồn biển và xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, kế hoạch đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản,..

Về Kiểm ngư : thực hiện kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; ngăn chặn tình trạng tàu cá trong nước và tàu cá nước ngoài khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Tăng cường bảo vệ, hỗ trợ đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển và xây dựng lực lượng Kiểm ngư đủ mạnh để bảo vệ nguồn lợi gắn với bảo vệ ngư dân và quốc phòng an ninh trên biển và hải đảo; phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai và tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo.

Chế biến thủy sản: đẩy mạnh công tác quảng bá, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thủy sản ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, gia công, thay thế các máy móc thiết bị chuyên dùng hoặc các dây chuyền sản xuất trong công nghiệp chế biến thủy sản; ưu tiên nguồn vốn để tập trung đầu tư hoàn thành dứt điểm các dự án quan trọng nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.

Để thực hiện tốt các nội dung trên, UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ về nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; đăng ký, quản lý tốt tàu khai thác hải sản theo hướng khai thác bền vững và tăng cường công tác bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển, ven biển, hải đảo.

Ngoài ra, giao các Sở, Ban, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện các nội dung được phân công trong Kế hoạch để hoàn thành mục tiêu thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Tỉnh.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác