Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS): đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Tôm Việt Nam trong tình hình dịch bệnh Covid-19 (09-09-2021)

Với mong muốn kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm, thúc đẩy phát triển sản xuất – kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi tôm, ngày 08/9/2021, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) đã gửi văn bản số 151/HNC tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo tổng hợp các khó khăn cũng như đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Tôm Việt Nam trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS): đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Tôm Việt Nam trong tình hình dịch bệnh Covid-19
Ảnh minh họa

Hiện tôm đang là một trong bốn sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thuỷ sản Việt Nam. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng 45% giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành Thủy sản, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ gia đình. Từ nửa đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 diễn ra trên diện rộng và kéo dài, đặc biệt là hoạt động giãn cách xã hội hơn 2 tháng qua tại miền Tây Nam Bộ - vựa tôm của cả nước, đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu tôm, có nguy cơ “làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng tôm”.

Ngày 01/9/2021, Trung tâm ICAFIS (Hội Nghề cá Việt Nam) đã phối hợp với Tổng cục Thuỷ sản tổ chức hội nghị trực tuyến “Diễn đàn Tôm Việt 2021: Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19”, sự kiện đã thu hút sự tham gia của gần 700 đại biểu từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Hiệp hội thuỷ sản, cộng đồng doanh nghiệp, người tham gia chuỗi sản xuất tôm (cung ứng đầu vào, sản xuất giống, nuôi tôm thịt, thu mua tôm nguyên liệu và chế biến xuất khẩu). Tại diễn đàn này, một số khó khăn, vướng mắc đã được các đại biểu thông tin, chia sẻ.

Người nuôi tôm đang gặp khó khăn trong việc gọi thương lái, nhà máy thu mua (do yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương nên thương lái khó đi lại, sợ lây nhiễm bệnh). Khi tôm đến cỡ thu hoạch thì rất khó gọi thương lái, giá bán tôm có khi chỉ còn bằng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, rất khó tìm mua thức ăn, con giống, chế phẩm sinh học… do các cơ sở này giảm hoặc ngừng sản xuất, giá bán tăng cao; đơn vị vận chuyển gặp khó khăn trong vận chuyển vật tư đến trại nuôi. Đến nay, diện tích thả nuôi chỉ còn bằng 30-40% so với cùng kỳ năm 2020, nhiều cơ sở nuôi đang treo ao, không thả nuôi tiếp.

Đối với thương lái mua tôm: Tốn rất nhiều thời gian cho việc thực hiện các loại giấy tờ và tốn nhiều chi phí cho việc xét nghiệm Covid-19 cho lái xe và thương lái mua tôm; Đồng thời, rất khó khăn trong di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác (đặc biệt là các tỉnh như Bến Tre chỉ nuôi tôm mà không có nhà máy chế biến); di chuyển từ quốc lộ sang tỉnh lộ, huyện lộ và vùng ven biển tới nơi nuôi tôm để thu mua tôm thì gặp nhiều khó khăn, trở ngại hơn (vì phải qua rất nhiều chốt kiểm dịch).

Có thể thấy, quy định của các địa phương hiện chưa đồng nhất, cùng một loại giấy tờ nhưng địa phương này cho đi, đến địa phương khác thì chốt chặn nói thiếu thủ tục, yêu cầu quay đầu. Đặc biệt, nhiều địa phương không ký xác nhận giấy đi đường cho đội ngũ lái xe thu mua tôm vì cho rằng đây là mặt hàng không thiết yếu. Với những khó khăn như trên, rất nhiều thương lái và lái xe đã tạm ngừng việc. Hậu quả là người nuôi cần bán tôm nhưng không có thương lái đến mua.

Các công ty cung ứng vật tư đầu vào (thức ăn, con giống, chế phẩm sinh học…) thì lại gặp khó trong vận chuyển hàng hoá đến các trang trại nuôi tôm (do các vùng nuôi tôm thường nằm ở các tuyến xã, tuyến huyện). Việc áp dụng cùng lúc nhiều văn bản pháp luật của các cấp, nhiều cơ quan ban hành và thay đổi liên tục làm cho những người thực thi tại các chốt kiểm dịch áp dụng các văn bản khác nhau và cách hiểu của từng địa phương cũng khác nhau, đã tạo nên nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu thuỷ sản không đủ điều kiện về kinh tế, cơ sở hạ tầng cũng như cán bộ chuyên trách để thực hiện phương án "3 tại chỗ"; thiếu hụt nguồn lao động chế biến trong nhà máy (các nhà máy tại Cà Mau, Bạc Liêu đã phải giảm 60-70% công suất chế biến); chi phí sản xuất tăng cao. Hiện trạng trên sẽ dẫn tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 khó có thể hoàn thành được kế hoạch.

Đối với tiêu thụ nội địa: Hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ, các chợ đầu mối phải thực hiện giãn cách hoặc phải đóng cửa khá lớn; Việc vận chuyển hàng từ vùng nuôi tôm đến các thành phố và khu dân cư gặp nhiều khó khăn do thiếu xe vận chuyển và nhiều trạm, chốt. Tất cả những khó khăn nêu trên đã dẫn tới việc tiêu thụ tôm tại thị trường nội địa bị đình trệ lớn

Đề xuất 04 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn

(1) Giải pháp vắc xin: Ưu tiên tiêm vắc xin cho các tài xế vận tải trong chuỗi sản xuất – kinh doanh tôm: sản xuất tôm nguyên liệu, thương lái, người thu tôm của các cơ sở thu mua tôm và toàn bộ cán bộ, nhân viên chế biến tôm để những đối tượng này tăng khả năng chống chọi với dịch bệnh và là điều kiện quan trọng nhất để khôi phục lại sản xuất ngành hàng tôm.

(2) Giải pháp giảm và hoàn thiện thủ tục hành chính, thống nhất kiểm soát vận chuyển hàng hóa tại các chốt kiểm tra Covid-19: Các tỉnh và các chốt kiểm dịch Covid-19 cần xếp các đối tượng trong chuỗi sản xuất tôm là ngành nghề ưu tiên và được hưởng cơ chế “luồng xanh” trong việc lưu thông trong vận chuyển vật tư đến nơi nuôi và thu hoạch, vận chuyển tôm đến nhà máy chế biến hoặc các chợ, siêu thị. Ngoài ra, bãi bỏ qui định về giờ giới nghiêm đối với một số ngành nghề đặc thù làm việc ban đêm như: thu hoạch, vận chuyển tôm thịt, thu mua tôm, giao/nhận con giống, vì công tác thu hoạch và vận chuyển tôm thường thực hiện vào sáng sớm hoặc chiều muộn…

Kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các chốt tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải luồng xanh có mã QR Code theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Chỉ kiểm soát dịch bệnh trên con người, còn xe và hàng hóa thực hiện công tác khử khuẩn theo hướng dẫn chung để đảm bảo an toàn. Trong phạm vi cấp tỉnh cũng nên cấp “thẻ xanh” cho tài xế, xe giao hàng của các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng thiết yếu, đang được phép hoạt động. Thẻ này được Ủy ban nhân dân quận/huyện hoặc Sở Giao thông vận tải cấp để lưu thông hàng hóa nội tỉnh.

(3) Giải pháp cụ thể trong các khâu sản xuất: Đối với khâu thu hoạch tôm, Tổng cục Thủy sản hướng dẫn thành lập và đào tạo “Tổ thu mua đặc biệt” tổ chức thu hoạch thu mua cho các trường hợp ao tôm không tiêu thụ vận chuyển được hoặc trường hợp giá tôm rớt xuống đáy… Đối với trường hợp này, “Tổ thu mua đặc biệt” sẽ đến cơ sở nuôi tôm để thu hoạch và vận chuyển trực tiếp nguyên liệu tôm đến nhà máy chế biến, qua đó giảm khâu trung gian và nâng được giá bán cho người nuôi. Mặt khác, kiến nghị Nhà nước hỗ trợ phát triển thêm đại lý thu mua tôm và tăng cường liên kết giữa đại lý thu mua và nhà máy chế biến để hoạt động này nhanh chóng trở lại bình thường.

Đối với khâu nuôi tôm: Cơ quan quản lý cần sớm có định hướng để người nuôi tôm không treo ao mà tiếp tục thả nuôi với mật độ thưa để giảm rủi ro, hạ giá thành sản xuất và có thể nuôi tôm đạt cỡ lớn. Có biện pháp tối ưu nhất để giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm cho ăn, giảm sử dụng hóa chất, không sử dụng kháng sinh để bán được tôm sạch

Đối với khâu chế biến, tiêu thụ tôm: Tổ chức bán hàng nội địa để giải phóng bớt tôm đang có trong ao, đẩy mạnh lưu thông tiêu thụ ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội… có thể thực hiện theo phương án đóng hộp sẵn hoặc đưa vào các combo thực phẩm.

Đối với khâu dịch vụ cung ứng vật tư, chế phẩm sinh học cho nuôi tôm: Vận động doanh nghiệp sản xuất thuốc/ thức săn thủy sản chia sẻ lợi ích với người nuôi, thực hiện giảm giá, khuyến mại thức ăn nuôi tôm (ở mức 10-20%) trong tháng cao điểm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Mời các doanh nghiệp hàng đầu của ngành về lĩnh vực tôm giống, thuốc, thức ăn ngồi lại bàn hình thức hỗ trợ cho người nuôi tôm.

(4) Giải pháp về chính sách: Kiến nghị Nhà nước hỗ trợ cho người nuôi tôm áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư, sử dụng hợp lý và tiết kiệm thức ăn, giảm sử dụng hóa chất, không sử dụng kháng sinh để bán tôm an toàn thực phẩm với giá cao hơn. Ngoài ra, kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền điện cho người nuôi tôm, cụ thể là giảm 10-30% tiền điện trong 6 tháng, từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021. Giảm một phần chi phí điện đến hết năm 2021 cho các doanh nghiệp có điều kiện tăng cường trữ tôm. Đặc biệt, kiến nghị Nhà nước có chính sách tạm hoãn trả nợ vốn vay ngân hàng và cho vay tiếp để nuôi tôm vụ mới; cho nhà máy chế biến vay vốn ưu đãi để trả lương công nhân và phát triển sản xuất.

Một số doanh nghiệp sản xuất tôm giống qui mô lớn, có uy tín về chất lượng, sẵn sàng hỗ trợ người nuôi tôm ít nhất 5-20 triệu giống/tháng/doanh nghiệp trong các tháng 9-10/2021. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích, vận động các cơ sở sản xuất giống và chế biến tôm có tiềm lực hỗ trợ chi phí vận chuyển tôm giống, chậm trả tiền mua giống, thức ăn, chế phẩm sinh học cho người nuôi nhằm khuyến khích phát triển nuôi tôm, tạo mối liên kết, hợp tác lâu dài giữa doanh nghiệp sản xuất, cung ứng tôm giống và các cơ sở nuôi tôm.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác