Ra mắt diễn đàn “KẾT NỐI SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ NÔNG SẢN” (31-08-2021)

Ngày 31/8/2021, Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức buổi ra mắt diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” với sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh, thành và gần 200 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong cả nước. Tại điểm cầu Hà Nội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc họp.
Ra mắt diễn đàn “KẾT NỐI SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ NÔNG SẢN”

Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ đạo thành lập trên tinh thần kế thừa hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản của Tổ công tác phía Nam của Bộ (gọi tắt là: Tổ công tác 970) nhằm hình thành, kết nối các khâu từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, lưu thông, đến tiêu thụ nông sản… Từ đó tạo mối "liên kết - hợp tác" chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và nông ngư dân trong việc khắc phục điểm nghẽn của nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; Đồng thời, hoạch định chính sách, tìm kiếm, đàm phán, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản và phát huy tối đa vai trò dẫn dắt, định hướng của doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.  

Trong thời gian qua, Tổ công tác ở miền Nam và miền Bắc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự phối hợp chặt chẽ, liên tục cập nhật, thông tin với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, với đại diện các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý những ách tắc, vướng mắc trong các khâu sản xuất, tiêu thụ nông sản... của nông dân và doanh nghiệp. Từ sáng kiến hay của Tổ công tác phía Nam (Tổ công tác  970) trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản (trong bối cảnh các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ) như: Xây dựng trang web, mạng xã hội (facebook, zalo) và số điện thoại đường dây nóng… Đến nay, đã hình thành hơn 1.300 đầu mối cung ứng nông sản; 58 kho tập kết hàng hóa nông sản, thực phẩm với số lượng tiêu thụ lên đến 1.000 tấn/ngày, chủ yếu cung cấp cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội.

Đặc biệt, trong 03 tuần triển khai, nhiều đơn hàng lớn được kết nối, tiêu thụ thành công, góp phần tích cực trong việc hỗ trợ cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các địa phương, tạo hiệu ứng cao trong xã hội. Tiêu biểu là Chương trình nông sản combo 10kg/túi (gồm gạo, thịt, rau, củ, quả) đã cung cấp 37.000 gói combo cho người dân khó khăn trong vùng phong tỏa, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ được hơn 300 tấn nông sản. Chương trình này đang có sức lan tỏa lớn, được nhiều tỉnh, thành áp dụng và nhân rộng.

Trước yêu cầu thực tiễn về kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố gặp khó khăn và bị đứt gãy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chỉ đạo thành lập diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản”. Diễn đàn là kênh thông tin hữu ích về xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thông tin thống kê, dự báo, phục vụ quản lý sản xuất, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các chuỗi sản xuất. Thực tế, thừa cung cục bộ, thiếu cung cục bộ đều do thiếu thông tin, dữ liệu; người mua và người bán chưa gặp nhau. Vì vậy, diễn đàn là khởi đầu cho phương thức vận hành khác đi, tư duy sản xuất khác đi và tư duy giải cứu nông sản phải phải được thay bằng tư duy nâng niu giá trị nông sản. Nguồn lực còn rất lớn từ doanh nghiệp, nông dân, các ngành hàng… cần kết nối lại để hình thành hệ sinh thái nông nghiệp có sự phát triển hài hòa và bền vững.

Theo Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” có các nhiệm vụ trọng tâm sau: Thông tin xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nông sản, vật tư nông nghiệp và sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; Thông tin thống kê, tổng hợp, dự báo, phục vụ quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu nông sản; Thông tin chuyển đổi số, đẩy mạnh áp dụng mã số vùng trồng, tổ chức liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn chất lượng nông sản; Đào tạo, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất và thúc đẩy kết nối cung cầu nông sản, sản phẩm du lịch nông thôn. Đặc biệt là đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các chuỗi hoạt động sản xuất – tiêu thụ nông sản.

Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” sẽ được tổ chức theo từng chủ đề ngành hàng nông sản, theo từng  mùa vụ được gắn với từng vùng miền và các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể như: Tổ chức các phiên Diễn đàn thông tin kết nối cung cầu nông sản, lương thực thực phẩm cho Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng bị giãn cách do dịch COVID-19. Bên cạnh đó, diễn đàn còn kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất các vụ quan trọng còn lại trong năm: Tôm nuôi vụ 2, vụ 3; Lúa vụ thu đông và đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long, vụ đông ở miền Bắc…

Tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản gắn với thị trường

Tại diễn đàn này, các nhà quản lý, chuyên gia các lĩnh vực sẽ thảo luận, tư vấn về phương thức tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản gắn với thị trường. Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng, thông qua diễn đàn này, nhà vườn, nông dân sẽ hiểu hơn quy luật thị trường, tín hiệu thị trường để tìm cách đáp ứng; Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh cũng tìm thấy vai trò của mình trong định hướng sản xuất. Bộ trưởng cho rằng, thị trường chỉ đáp ứng được khi chúng ta tối ưu tiện ích cho người tiêu dùng, tối ưu sản xuất. Người tiêu dùng ngồi ở nhà cũng có nông sản được đưa đến tận nơi. Thấy tiện ích, người ta sẽ đặt hàng. Mở tổng cầu sẽ mở được tổng cung.

Trong thời gian tới, diễn đàn cũng sẽ thường xuyên tổ chức các "Chợ online kết nối nông sản”, xây dựng triển lãm nông sản ảo. Tại đó sẽ hiển thị thông tin bên mua - bên bán, các gian hàng trưng bày được hiển thị trên màn hình máy tính với không gian 3D, 4D để người mua có thể nhìn thấy sản phẩm chân thật nhất. Xây dựng bản đồ, thông tin quảng bá và tư vấn dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các hiệp hội ngành hàng sẽ quan tâm phát triển thêm nhiều mô hình bán lẻ hiện đại nhằm tăng tính kết nối với khách hàng; tăng đầu tư các trung tâm thu mua nông sản ở các vùng sản xuất trọng điểm; xây dựng các sàn thương mại điện tử kinh doanh nông sản; kết nối nguồn cung vật tư đầu vào và những nguyên liệu phụ trợ cho sản xuất, kinh doanh nông sản. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ kịp thời, mạnh mẽ hơn (nhất là về nguồn vốn) để doanh nghiệp, nông dân duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất…

Về dài hạn, diễn đàn sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản; hoàn thiện hệ thống truyền thông đa phương tiện về cung cầu nông sản; tổ chức định kỳ các diễn đàn thông tin kết nối; tập hợp thông tin dữ liệu khách hàng cung-cầu; hoàn thiện vận hành chợ online; hoàn thiện, vận hành triển lãm ảo. Thông tin chuyển đổi số, đẩy mạnh áp dụng mã số vùng trồng, tổ chức liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn chất lượng nông sản. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ghi nhận hiệu quả với nhiều sáng kiến hay trong hoạt động của Tổ công tác 970 đã đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; góp phần gỡ khó về tiêu thụ nông sản cho nông dân cả nước. Theo Bộ trưởng, diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” không chỉ phát huy trong giai đoạn dịch bệnh mà còn tiếp tục đồng hành trong quá trình phát triển nông nghiệp Việt Nam, góp phần làm thay đổi nhận thức, lấy thị trường làm chuẩn mực điều hành sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn hàng, đồng thời giúp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng theo sát với đời sống xã hội nông thôn, sát với ruộng vườn của nông dân hơn.

Vì lẽ đó, diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” được kỳ vọng sẽ khắc phục được điểm nghẽn của một nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; hoạch định chính sách; tìm kiếm, đàm phán, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản; phát huy tối đa vai trò dẫn dắt, định hướng của doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác