DIỄN ĐÀN TÔM VIỆT 2021: Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành Tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19 (31-08-2021)

Ngày 1/9/2021, Tổng cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam) sẽ tổ chức trực tuyến “DIỄN ĐÀN TÔM VIỆT 2021: Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành Tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19”.
DIỄN ĐÀN TÔM VIỆT 2021: Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành Tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19

Tham dự diễn đàn sẽ có 900-1000 đại biểu gồm đại diện của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư, các Hội, Hiệp hội; Trường, Viện nghiên cứu, Tổ chức phi Chính phủ (NGO). Bên cạnh đó còn có các doanh nghiệp thủy sản, công ty chế biến xuất khẩu, công ty cung ứng đầu vào (tôm giống, thức ăn, chế phẩm sinh học…); người nuôi tôm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khác tại Việt Nam...

Tại diễn đàn này, các đại biểu sẽ chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đang xảy ra ở các tỉnh; đồng thời trình bày ý kiến, đề xuất giải pháp; đặc biệt là, diễn đàn sẽ tập trung thảo luận những vấn đề chính liên quan đến các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất tôm ở Việt Nam trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Theo thống kê, hàng năm, ngành Thủy sản đóng góp hơn 3% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Thuỷ sản là một trong 5 ngành có giá trị xuất khẩu đứng đầu toàn quốc, sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường 164 quốc gia trên thế giới, trong đó tôm là một trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực, với giá trị kim ngạch chiếm khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch toàn ngành, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ gia đình. Bình quân tăng trưởng của nghề nuôi trồng - chế biến xuất khẩu tôm đạt 6,82%/năm. Năm 2020, nhờ thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 mà hoạt động sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam có lợi thế hơn so với các nhà cung cấp khác trên thế giới, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, năm 2021 với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm và tiêu thụ trong nước đều gặp nhiều khó khăn, tồn tại, làm tăng nguy cơ đổ gãy chuỗi sản xuất và cung ứng tôm. Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu - 03 địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước;tính đến nay, các tỉnh đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên không chỉ việc lưu thông hàng hóa, mua bán giống thủy sản, thu hoạch tôm gặp khó khăn mà các nhà máy cũng phải giảm công suất chế biến 60-70%, thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao. Hoạt động nuôi tôm của các trang trại theo đó cũng gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân :  thiếu người thu mua tôm;  giá tôm giảm sâu;  khó khăn trong mua thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học và vật tư trong nuôi tôm…

Các chuyên gia kinh tế và nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, ngành tôm Việt Nam đã trễ nhịp so với cơ hội thị trường nhưng nếu các địa phương mau chóng có giải pháp kiểm soát dịch bệnh vào cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9 để phục hồi sản xuất thì vẫn còn cơ hội, giá tôm tăng trở lại, nhưng muộn hơn thì coi như cơ hội năm nay sẽ trôi qua. Vì vậy, thủy sản Việt Nam cần xác định những khó khăn, thách thức mà ngành tôm đang phải đối mặt trong tình hình Covid-19 năm 2021; gấp rút tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Để nhanh chóng tìm ra giải pháp giúp ổn định sản xuất, nắm bắt các cơ hội thị trường, đặc biệt khắc phục hậu quả do Covid -19 gây ra; ngày 1/9/2021, Tổng cục Thuỷ sản sẽ phối hợp với Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) – Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) và Dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam Á – Graisea 2” tổ chức trực tuyến “DIỄN ĐÀN TÔM VIỆT 2021: Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành Tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19”.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác