Quy định về xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật sản phẩm, dịch vụ công (23-07-2021)

Ngày 15/7/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 06/2021/TT-BNNPTNT quy định về xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật sản phẩm, dịch vụ công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Theo đó, có bốn phương pháp xây dựng định mức sản phẩm, dịch vụ công.
Quy định về xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật sản phẩm, dịch vụ công

Thông tư này áp dụng cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật sản phẩm, dịch vụ công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Định mức kinh tế - kỹ thuật về sản phẩm, dịch vụ công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (sau đây gọi là định mức kinh tế - kỹ thuật) là mức hao phí cần thiết về lao động, vật tư, máy móc thiết bị để hoàn thành một sản phẩm, dịch vụ công trong một điều kiện cụ thể (hoặc một khối lượng công việc nhất định) đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Quy trình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý là trình tự, cách thức thực hiện một sản phẩm, dịch vụ công.

Mục tiêu xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để làm căn cứ xác định giá sản phẩm, dịch vụ công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; làm căn cứ để xây dựng và thực hiện kế hoạch, quản lý kinh tế, tài chính và quản lý chất lượng trong hoạt động sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; đồng thời, thúc đẩy xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác trong ngành nông nghiệp, tạo môi trường hoạt động bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân.

Các nguyên tắc và căn cứ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm: Đảm bảo tính đúng, tính đủ, tính phù hợp và hiệu quả để hoàn thành việc thực hiện một sản phẩm, dịch vụ công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành; Định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở, quy trình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công và quy định của pháp luật về chế độ làm việc của người lao động, các định mức, chi phí áp dụng cho các hoạt động chi tiết quy định tại quy trình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công. Bên cạnh đó, định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng theo từng sản phẩm, dịch vụ riêng hoặc nhóm các sản phẩm, dịch vụ tương đồng về nội dung quy trình thực hiện, giống nhau về tính chất, phương tiện và trình tự thực hiện các hạng mục công việc của sản phẩm, dịch vụ công; Đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo tính trung bình tiên tiến, ổn định và thống nhất.

Ngoài ra, việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật phải căn cứ vào tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, quy trình công nghệ, thông số kỹ thuật, yêu cầu cơ bản, năng lực thực hiện, trình độ tổ chức, hạ tầng công nghệ; Quy định pháp luật hiện hành về chế độ làm việc của người lao động; Điều kiện thực tế hoạt động của các đơn vị về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực tài chính, đất đai; Số liệu thống kê hằng năm và các tài liệu có liên quan; Tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật, quy trình xác định định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành và quy định đã ban hành để xác định mức tiêu hao đối với từng công việc hoặc nhóm công việc.

Bốn phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật: Đơn vị chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật lựa chọn một hoặc các phương pháp như sau: (1) Phương pháp thống kê, tổng hợp; (2) Phương pháp so sánh; (3) Phương pháp tiêu chuẩn; (4) Phương pháp phân tích thực nghiệm.

Thành phần định mức kinh tế - kỹ thuật: Thành phần định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm: (1) Định mức lao động = Định mức lao động trực tiếp + Định mức lao động gián tiếp; (2) Định mức vật tư; (3) Định mức máy móc, thiết bị; (4) Định mức khác (nếu có).

Thủ trưởng đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật theo các bước sau: (1) Thành lập Tổ soạn thảo (nếu cần thiết); (2) Xây dựng dự thảo Tờ trình; dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật; (3) Lấy ý kiến Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật; tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý; (4) Thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại Thông tư này; tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm định; (5) Xin ý kiến Thứ trưởng phụ trách; (6) Chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Thông tư này để trình Bộ trưởng xem xét, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.

Thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật: (1) Thủ trưởng đơn vị chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thành lập Hội đồng thẩm định gồm 07 đến 09 thành viên: 01 Chủ tịch Hội đồng (đại diện Lãnh đạo đơn vị chủ trì), 01 Phó chủ tịch (nếu cần thiết), ủy viên Hội đồng (đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính và các đơn vị có liên quan); (2) Hồ sơ trình Hội đồng thẩm định gửi cho các thành viên Hội đồng tối thiểu 03 ngày làm việc trước ngày họp Hội đồng; (3) Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ trưởng đơn vị chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật để hoàn thiện dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trước khi trình Bộ trưởng xem xét, ban hành; (4) Họp Hội đồng thẩm định: Cuộc họp của Hội đồng thẩm định được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba số lượng thành viên trong Hội đồng. Các thành viên Hội đồng thảo luận, đánh giá chất lượng của dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật bằng phương pháp bỏ phiếu kín theo các mức sau: Mức 1: Đạt yêu cầu đề nghị ban hành; Mức 2: Đạt yêu cầu nhưng phải chỉnh sửa trước khi đề nghị ban hành; Mức 3: Không đạt yêu cầu phải xây dựng lại. Chủ tịch Hội đồng thẩm định tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng và kết luận về chất lượng của dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.

Trình ký ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật: (1) Đơn vị chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng xem xét, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; Ý kiến của Thứ trưởng phụ trách; Các tài liệu khác (nếu có); (2) Thủ trưởng đơn vị chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trình hồ sơ dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại Thông tư này; Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính đồng trình Bộ trưởng đối với dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuậtBộ trưởng xem xét, ký ban hành hoặc phân công Thứ trưởng phụ trách ký Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.

Trách nhiệm tổ chức thực hiện: Thủ trưởng các đơn vị được giao chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật có trách nhiệm hằng năm, rà soát và xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí danh mục định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc chuyên ngành của đơn vị gửi Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; trình ban hành theo quy định tại Thông tư này. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch, đảm bảo kinh phí thực hiện xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho từng sản phẩm, dịch vụ công theo đúng quy định. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Thông tư này tham khảo xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật sản phẩm, dịch vụ công của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác