Tháo gỡ bất cập, vướng mắc trong dự thảo QCVN nước thải áp dụng cho ao nuôi thủy sản và nhà máy chế biến thủy sản (22-07-2021)

Để giúp các doanh nghiệp thủy sản nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước về môi trường, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi văn bản đề xuất với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT có ý kiến với Bộ tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ bất cập, vướng mắc trong dự thảo QCVN nước thải áp dụng cho ao nuôi thủy sản và nhà máy chế biến thủy sản.
Tháo gỡ bất cập, vướng mắc trong dự thảo QCVN nước thải áp dụng cho ao nuôi thủy sản và nhà máy chế biến thủy sản
Ảnh minh họa

Theo đó, Hiệp hội VASEP đã đưa ra hai bất cập, vướng mắc mà các doanh nghiệp (DN) thủy sản đang gặp phải tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh (SXKD) và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).

Vướng mắc thứ nhất: quy định ngưỡng tối đa chỉ tiêu Phospho trong nước thải chế biến thuỷ sản sau xử lý quá nghiêm ngặt so với đặc thù ngành.

Từ 2016, Hiệp hội VASEP đã phản ánh vướng mắc tại quy định chỉ tiêu Phospho, Nito và Amoni, đặc biệt là chỉ tiêu Phospho, trong QCVN nước thải sau xử lý của nhà máy chế biến thuỷ sản (QCVN 11-MT:2015). Ngưỡng chỉ tiêu phospho trong nước thải chế biến thủy sản (CBTS) sau xử lý (QCVN 11-MT: 2015) là khá nghiêm ngặt. Ở thời điểm hiện tại, với đặc thù ngành nghề CBTS, rất nhiều nhà máy khó có thể đáp ứng được quy định vềchỉ tiêu Phospho (chỉ cho phép là 20 ppm (cột B) và 10ppm (cột A)Mấy năm qua, VASEP cũng đã có các báo cáo, kiến nghị sửa đổi ngưỡng phospho lên 40ppm.

Hiện nay, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đang lấy ý kiến các bên cho dự thảo QCVN mới về nước thải công nghiệp. Dự thảo này sẽ thay thế cả cho QCVN 40 (nước thải công nghiệp) và QCVN 11 (nước thải chế biến thủy sản), đưa nước thải chế biến thủy sản vào chung QCVN nước thải công nghiệp. Và đặc biệt, các chỉ tiêu trong Dự thảo này đang ngặt nghèo hơn QCVN 11-MT: 2015/BTNMT rất nhiều: Phospho chỉ từ 4-6 mg/l, Nitơ chỉ từ 20-40 mg/l, Amoni chỉ từ 5-10 mg/l. Điều này đang thực sự gây ra quan ngại rất lớn cho cộng đồng DN chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay.

Vướng mắc thứ hai: áp dụng QCVN về nước thải công nghiệp cho các ao nuôi thủy sản thâm canh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành QCVN riêng cho nước thải nuôi trồng thủy sản nên tất cả các đánh giá tác động môi trường của các dự án xây dựng các trại nuôi thủy sản cũng như việc kiểm soát nguồn nước đầu ra của các ao nuôi đang được các cơ quan Quản lý TNMT yêu cầu áp dụng QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp. Các chỉ tiêu tại QCVN này rất khắt khe và rất khó để các ao nuôi tôm, cá đạt được, đồng thời cũng chưa phù hợp với điều kiện thực tế của các trại nuôi.

Vấn đề này đang tạo nên áp lực rất lớn về công tác xử lý nước thải đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản. Dự thảo QCVN mới về nước thải công nghiệp, với các chỉ tiêu còn nghiêm ngặt hơn cả QCVN 40:2011, vẫn sẽ dự kiến tiếp tục được áp dụng cho nước thải của các ao nuôi thủy sản sẽ gây thêm khó khăn cho việc tuân thủ của các trại nuôi.

 Ngành thủy sản Việt Nam có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, được xác định là một trong năm ngành kinh tế biển then chốt. Giá trị xuất khẩu thủy sản trong 3 năm gần đây đạt gần 8,5-9 tỷ USD/năm, đứng TOP8 các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của đất nước, với lực lượng lao động hơn 4 triệu người, gắn chặt với sinh kế của ngư dân và nông dân tại nhiều tỉnh thành, góp phần đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh trên biển.

Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định 339/QĐ-TTg ký ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thì đến năm 2030, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đạt 14-16 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm, giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động. Và đến năm 2045, ngành thủy sản Việt Nam phấn đấu trở thành “trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển,..., góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.”. Với vị trí và mục tiêu như trên, việc hài hoà giữa bảo vệ môi trường và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia sản xuất, xuất khẩu cạnh tranh là nội dung hết sức quan trọng.

Chính vì vậy, Hiệp hội VASEP đã đề xuất, kiến nghị Bộ Nông nghiệp&PTNT có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường: Không đưa trại ao nuôi thuỷ sản (cá tra, tôm,...) vào chung với dự thảo QCVN nước thải công nghiệp; xem xét đưa trại ao nuôi thuỷ sản vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo QCVN 62:2021/BTNMT (nước thải chăn nuôi) và thuộc Cột B của cơ sở phải đăng ký môi trường.

Với nước thải của nhà máy chế biến thuỷ sản: Không gộp nước thải chế biến thủy sản vào Dự thảo QCVN công nghiệp chung nhiều ngành nghề khác nhau, tiếp tục thực hiện QCVN riêng cho chế biến thủy sản do yếu tố đặc thù của ngành.

Mặt khác, nâng ngưỡng cho phép của chỉ tiêu phospho lên mức 40ppm (cột B) và 30ppm (cột A) để phù hợp với điều kiện thực tế của DN chế biến thủy sản Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế các nước trong khu vực; sau khi hết lộ trình áp dụng 10 năm (đến năm 2031) như lộ trình và đưa ngưỡng Phospho về mức 20ppm.

Đồng thời, áp dụng lộ trình thực hiện 10 năm cho QCVN mới theo thông lệ quốc tế để có thời gian cho phép DN chuyển đổi công nghệ, đầu tư và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Giữ nguyên ngưỡng kiểm soát của Amoni và Ni-tơ như trong QCVN 11- MT: 2015.

 Để hài hòa việc phát triển kinh tế và giữ sạch môi trường, chỉ nên so sánh, tham khảo các chỉ tiêu về môi trường với những quốc gia có điều kiện phát triển kinh tế tương đồng mà Thái Lan hoặc Indonesia là tiêu biểu; không nên lấy tham khảo các chỉ tiêu từ các nước phát triển và không tập trung vào sản xuất hàng hoá lớn để có sự cạnh tranh công bằng cho thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác