Thống nhất quan điểm chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 (21-07-2021)

Ngày 20 tháng 7 năm 2021, Nghị quyết số 78/NQ-CP tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19 đã chỉ rõ: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thống nhất quan điểm chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thống nhất quan điểm chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

Đối với hoạt động mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19: Giao Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan ban hành danh mục mua sắm tập trung đối với các sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế... phục vụ phòng, chống dịch.

Căn cứ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, việc đầu tư, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế kịp thời, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong phòng, chống dịch hiện nay, được áp dụng quy định về mua sắm tại các Điều 22 và Điều 26 Luật đấu thầu.

Bộ Y tế chủ trì, cùng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp... dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, dự toán kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, hoàn chỉnh Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nhất là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16) thống nhất quan điểm chỉ đạo.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch, đặc biệt là nâng cao ý thức và sự chấp hành Chỉ thị 16 của nhân dân đối với các yêu cầu về giãn cách cá nhân với cá nhân, giữa gia đình với gia đình, không tụ tập đông người, hạn chế việc đi lại, không ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết...

Các cơ quan, đơn vị tăng cường làm việc trực tuyến, bố trí người đi làm luân phiên tại công sở không quá 50%. Việc thực hiện các yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi người dân. Các trường hợp vi phạm đều phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Tập trung, ưu tiên nguồn lực cao nhất có thể cho hoạt động phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội. Tăng cường các lực lượng chuyên môn, chuyên gia, kể cả chuyên gia độc lập bảo đảm đánh giá, nắm chắc và dự báo đúng tình hình, nguy cơ diễn biến dịch bệnh để có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát phù hợp, khả thi, hiệu quả.

Thực hiện tốt công tác vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách và các địa phương khác bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất ở tầm quốc gia, nhưng các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, thường xuyên trao đổi với nhau để thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện đi, đến giữa các địa phương, bảo đảm phối hợp chặt chẽ, thông suốt, hiệu quả. Các địa phương không tự ý đặt ra “giấy phép con” làm ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hóa và người thi hành công vụ.

Tập trung đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc xin, trong đó tăng cường tiếp cận đa dạng các nguồn vắc xin để mua được nhiều vắc xin nhất có thể trong thời gian sớm nhất. Đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả.

Các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.

Căn cứ tình hình, diễn biến dịch trên địa bàn, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các biện pháp phù hợp và có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn quy định tại Chỉ thị 16, nhất là kiểm tra, giám sát chặt chẽ giãn cách giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, tổ dân phố với tổ dân phố...; hạn chế nhiều hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa sự giao lưu, gặp gỡ giữa người với người.

Rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập đã xảy ra vừa qua trong phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện giãn cách chưa nghiêm, chưa hiệu quả.

Rà soát ngay và đề xuất cụ thể yêu cầu hỗ trợ về nhân lực, nhất là bác sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế...; các địa phương khác cũng phải rà soát, thông báo về số lượng nhân lực, các loại phương tiện, thiết bị có thể chi viện, hỗ trợ. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Y tế tổng hợp và điều phối chung, bảo đảm không để thiếu, hụt cho các địa phương đang thực hiện giãn cách và không để chồng chéo, lãng phí.

Chủ động rà soát, nắm chắc về số lượng, năng lực tiếp nhận của các khách sạn, cơ sở lưu trú, trường học, ký túc xá sinh viên trên địa bàn và hạ tầng cơ sở vật chất khác...; trên cơ sở đó sẵn sàng các phương án huy động kịp thời các cơ sở này nhằm bảo đảm năng lực cách ly trong trường hợp dịch bùng phát, làm khu cách ly cho công nhân của các cơ sở sản xuất an toàn, quản lý công nhân đi về theo phương châm “một cung đường, hai điểm đến”...

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 huy động cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở, trong đó có lực lượng quân đội, công an, các đoàn thể nhân dân, các Tổ COVID cộng đồng tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Chỉ thị 16.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác