Bộ Nông nghiệp và PTNT: sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021 (21-07-2021)

Ngày 13/7/2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành thông báo 4347/TB-BNN-VP về ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021.
Bộ Nông nghiệp và PTNT: sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021

Theo đó, thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ 2021-2025, nhất là 6 tháng qua, nhiều sự kiện quan trọng của đất nước diễn ra. Đối với Bộ, sau khi chuyển giao nhiệm vụ giữa 2 Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ và các đơn vị đã bắt tay ngay vào chỉ đạo xử lý, giải quyết công việc, bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong thực hiện các nhiệm vụ của Bộ, của ngành với sự nhiệt tình, quyết tâm, mạnh mẽ, đoàn kết. Đồng hành với Bộ, bà con nông dân, các doanh nghiệp, chính quyền các địa phương trên cả nước tiếp tục chủ động, tích cực, sáng tạo.

 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ động trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt “Mục tiêu kép”. Dù thời tiết bất thường, vẫn xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh Covid-19 tác động khiến người dân, địa phương gặp khó khăn. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp đã triển khai, hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm, góp phần ổn định an sinh xã hội trong nước. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, xây dựng nông thôn mới, trồng và bảo vệ rừng, an toàn thực phẩm, xây dựng cơ bản,... hoàn thành trên mức kế hoạch như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành tăng 3,82%, vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,69%, lâm nghiệp tăng 3,98%, thủy sản tăng 4,25%. Tổng sản lượng thủy sản tăng 2,8%. Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020,…

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 của ngành, cũng như trong công tác chỉ đạo điều hành của Bộ vẫn còn bộc lộ những tồn tại, có những tồn tại đã lâu, do những yếu tố khách quan và chủ quan, đang được nhận diện để từng bước giải quyết. Tuy nhiên, cũng có những tồn tại mà nguyên nhân là các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương còn chủ quan, vẫn chưa quyết liệt giải quyết. Hiện nay những tồn tại này đang hạn chế đến sự phát triển bền vững của toàn ngành như:

Về quan hệ sản xuất, thị trường, thì hiện nay năng suất, sản lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam về cơ bản tốt, đáp ứng đầy đủ, dồi dào nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đây là yếu tố quan trọng để góp phần vào tăng trưởng ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, sản lượng tăng cao không đồng nghĩa tỷ lệ thuận tương ứng với giá trị gia tăng của sản phẩm. Những người làm ra sản phẩm, nhất là bà con nông dân, chưa được hưởng lợi nhiều so với giá trị mình làm ra, thậm chí có những nông dân không còn đủ lực để tái đầu tư, tái sản xuất. Sản lượng cao, chất lượng sản phẩm được nâng lên nhưng có những giai đoạn, những thời điểm ngành vẫn khó khăn tìm các giải pháp, kêu gọi người dân, tổ chức chính trị, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Có những nơi dư thừa nông sản, giá giảm, trong khi người tiêu dùng trong nước (nhất là ở các thành phố, đô thị) vẫn phải mua lương thực, thực phẩm với giá cao. Nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, trong đó có sản phẩm OCOP được công nhận nhưng người tiêu dùng biết đến chưa nhiều. Như vậy, tồn tại lớn nhất là quan hệ giữa sản xuất - thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản chưa hài hòa, với mục tiêu là giá trị gia tăng, hiệu năng cao nhất.

Về  đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; phát triển hợp tác xã nông nghiệp đạt về số lượng nhưng chất lượng và mức độ bền vững chưa được khẳng định. Số lượng tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã chưa phổ biến và tỷ lệ giá trị liên kết còn thấp.

Công nghệ thông tin, chuyển đổi số chưa được triển khai đủ và quyết liệt; năm 2020 Bộ chỉ đứng thứ 9/17 các Bộ, ngành về chỉ số tổng hợp cải cách hành chính; thậm chí chỉ số thành phần về cải cách thủ tục hành chính đứng thứ 16/17 Bộ, ngành. Việc xây dựng và hoàn thiện Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ tích hợp lên Cổng dịch vụ quốc gia còn chậm; nhiều thủ tục hành chính chưa được theo dõi, đánh giá,...

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021

Để hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm 2021, trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và khó khăn đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, cần tập trung vào các giải pháp sau: 

Một số nhiệm vụ, giải pháp chung: hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch của năm 2021 đã đề ra tại Quyết định số 19/QĐ-BNN-KH ngày 04/01/2021 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Các đơn vị thực hiện với trách nhiệm, tiến độ, chất lượng cao nhất các nhiệm vụ được Bộ trưởng phân công tại Quyết định số 19/QĐ-BNN-KH ngày 04/01/2021 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Quyết định số 2547/QĐ-BNN-KH ngày 08/6/2021 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Công văn số 3627/BNN-VP về việc thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 132/TBVPCP ngày 29/5/2021 và các văn bản khác; Rà soát, đề xuất điều chỉnh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án cho phù hợp với tình hình triển khai thực tế trong điều kiện dịch Covid-19,..

Mặt khác, các đơn vị rà soát kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm để nhằm tới mục tiêu phát triển ngành theo hướng tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp: Giảm thiểu vật tư đầu vào, sử dụng vật tư thân thiện môi trường, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ để có giá trị gia tăng cao nhất dành cho người nông dân và các thành phần tham gia chuỗi.

Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thường xuyên: Về công tác phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi chủ động có kế hoạch kịp thời ứng phó phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão 2021; dự báo thiên tai chính xác hơn nữa, chỉ đạo các địa phương tổ chức phòng chống thiên tai cả ở vùng ven biển và nội đồng; xây dựng kịch bản phòng, chống thiên tai tại từng tỉnh trong điều kiện dịch Covid-19 để xác định vùng trú ẩn an toàn cho người dân và đảm bảo quy định về phòng, chống dịch.

Đồng thời, Tổng cục Thủy lợi chủ trì phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Cục trồng trọt, Chăn nuôi rà soát lại kế hoạch cung ứng nguồn nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất phù hợp với mùa vụ và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

Về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU): Tổng cục Thủy sản đánh giá tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ để gỡ “Thẻ vàng” của EC, chỉ rõ đơn vị làm tốt, chưa tốt để tham mưu cho Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo khắc phục tồn tại; tham mưu cho Bộ kế hoạch đón và làm việc với Đoàn thanh tra của EU sang đánh giá lại kết quả thực hiện các khuyến nghị trước khi quyết định mức độ thẻ, chuẩn bị tốt các nội dung. 

Về công tác khuyến nông: Trung tâm Khuyến nông quốc gia khẩn trương đổi mới công tác khuyến nông theo hướng hợp tác giữa khuyến nông nhà nước gắn với khuyến nông của doanh nghiệp; khuyến nông theo chuỗi ngành hàng, huấn luyện nông dân tiếp thu kiến thức làm nông và kinh doanh nông sản; hỗ trợ các trường của Bộ đào tạo nghề nông nghiệp. Cùng đó, chủ trì phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT tổng kết mô hình khuyến nông ở các địa phương (trong đó có mô hình Tổ kinh tế kỹ thuật ở cơ sở). Các Viện nghiên cứu thuộc Bộ, tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động đào tạo khuyến nông,.. 

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho giai đoạn 2021-2025

Về quan hệ sản xuất, thị trường: Cần chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp (đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng). Đây là yếu tố rất quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp với mục tiêu là giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Khẩn trương tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo thị trường nông sản của Bộ; rà soát bổ sung Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; tham mưu có kế hoạch triển khai cụ thể, hiệu quả; Phối hợp với các Tổng cục/Cục chỉ đạo sản xuất có thông tin sát thực tiễn để sớm dự báo sản lượng, kế hoạch tiêu thụ các sản phẩm nông sản trong 6 tháng cuối năm, tránh bị động. Bên cạnh đó, cùng với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: Hàng tháng cung cấp bản tin về tình hình xuất nhập khẩu, sản xuất, sản lượng nông sản, tình hình tiêu thụ nông sản trong nước cho Lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc Bộ để phục vụ chỉ đạo, điều hành sản xuất.

Các đơn vị chỉ đạo theo dõi sản xuất, bảo vệ sản xuất: Tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, nguồn nước, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thị trường, đảm bảo hoàn thành, vượt kế hoạch sản xuất 6 tháng cuối năm và cả năm 2021 ở mức cao nhất. Cung cấp sớm, sát thực tế về sản lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản về Ban Chỉ đạo của Bộ để chỉ đạo, điều hành. Tăng cường quản lý chất lượng, vật tư nông nghiệp, khuyến khích sử dụng vật tư hữu cơ, sinh học; phối hợp phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.

Về chuyển đổi số trong nông nghiệp: Chuyển đổi số trong nông nghiệp cần được triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để đáp ứng với đòi hỏi thực tiễn; Văn phòng Bộ (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của Bộ) tiếp thu, hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, kế hoạch của Bộ triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, báo cáo xin ý kiến Lãnh đạo Bộ phụ trách trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt để làm cơ sở triển khai các đề án, dự án của các lĩnh vực nhằm đưa các “ý tưởng” thành “hành động” sớm nhất.

Về tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp xác định rõ khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo là yếu tố then chốt để tạo ra giá trị gia tăng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp cả trước mắt và lâu dài. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường rà soát, đánh giá cách thức, hiệu quả việc đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu để tập trung ưu tiên phê duyệt các nhiệm vụ thực tế đang cần, giải quyết các nút thắt theo chuỗi, nhiều đơn vị nghiên cứu có thể cùng tham gia để phục vụ cơ cấu lại ngành; tham mưu giải quyết ngay những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Bộ để tạo thuận lợi cho nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng dụng vào sản xuất, thực sự tạo ra giá trị gia tăng rõ nét. Đồng thời, tổng hợp những vướng mắc về cơ chế, chính sách để gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ liên quan xem xét tháo gỡ. Chuẩn bị báo cáo đánh giá công tác khoa học công nghệ nông nghiệp, nông thôn, đề xuất các giải pháp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về lĩnh vực này trong thời gian tới.

Về tăng cường chất lượng nông lâm thủy sản: Để phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế thì cần xác định chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp là yếu tố rất quan trọng, cần được quan tâm chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, thường xuyên để làm tăng giá trị gia tăng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dung; Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản tham mưu cho Bộ chỉ đạo tăng cường quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp để làm tăng giá trị gia tăng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế; đẩy mạnh phát triển nâng hơn số chuỗi, chất lượng, khối lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; Hoàn thành xây dựng Đề án tăng cường quản lý chất lượng hàng nông sản đến 2025 để trình Thủ tướng Chính phủ theo tiến độ phê duyệt,...

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác