Ngành Nông nghiệp: Bắt tay ngay vào Chuyển đổi số để không bị lỡ nhịp (18-06-2021)

Ngày 18/6/2021, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố về “Chuyển đổi số trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Ngành Nông nghiệp: Bắt tay ngay vào Chuyển đổi số để không bị lỡ nhịp

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, từ trước đến nay Việt Nam đã nói nhiều đến Kinh tế tri thức, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng việc thực hiện vẫn rất nhạt nhòa. Đã đến lúc Kinh tế tri thức phải được đưa vào những cánh đồng và nhà máy. Sự mù mờ thông tin như hiện nay đã và đang ảnh hưởng đến mối quan hệ cung-cầu, làm ngắt quãng cung-cầu trong nông nghiệp. Người sản xuất mù mờ về thị trường; Thị trường thì mù mờ về sản xuất. Một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả “phải giải cứu”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn nền nông nghiệp được định vị và minh bạch dữ liệu, thông tin, để ngành Nông nghiệp vươn xa hơn. Minh bạch cũng tạo nên thương hiệu của nền nông nghiệp có trách nhiệm với hàng chục triệu hộ nông dân. Việc thay đổi dù khó khăn, sẽ có những bỡ ngỡ ban đầu nhưng đó là bổn phận của các nhà lãnh đạo và các đơn vị trong ngành với hàng chục triệu nông dân, với ngành Nông nghiệp, với hệ sinh thái bền vững.

Áp dụng Chuyển đổi số giúp người nông dân dựa vào Dữ liệu để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Chuyển đổi số thực chất là cách làm nông nghiệp khác đi nhờ vào Dữ liệu và Công nghệ số.

Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận định: Áp dụng Chuyển đổi số, những nông dân số sẽ không phải "trông trời, trông đất, trông mây" để sản xuất (như truyền thống) mà có thể trông vào Dữ liệu để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Hơn nữa, việc áp dụng Chuyển đổi số còn cho phép nông dân cung cấp thêm thông tin về sản phẩm (chứ không chỉ bán sản phẩm đơn thuần). 

Trước đây, người nông dân mang nông sản ra chợ bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Nhưng khi áp dụng Công nghệ số, mọi thông tin sẽ được kết nối thông qua mạng internet. Vì vậy, người nông dân có thể cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin của quy trình sản xuất. Người tiêu dùng cũng có thể giám sát quy trình sản xuất từ lúc bắt đầu. Đây là một ví dụ về Chuyển đổi số. Nhìn chung, ở thời đại số, dữ liệu nông nghiệp sẽ được chia sẻ để hình thành “hệ sinh thái nông nghiệp số”.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng cho biết: Chuyển đổi số cho phép so sánh giá ở nhiều nơi. Làm được việc này sẽ không còn nạn ép giá. Chuyển đổi số sẽ tạo nền tảng cho phép nông dân và các ngành hàng kết nối với nhau mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Có thể kết nối 9 triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, gắn với 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí hàng tỷ người tiêu dùng trên thế giới.

Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra mục tiêu phát triển Kinh tế số trong Nông nghiệp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng Công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành “hệ sinh thái nông nghiệp số” nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào Chuyển đổi số, ứng dụng Công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đặt ra mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng Dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Trong đó, sẽ cơ bản hoàn thành Cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó, xây dựng “bản đồ số” sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp “dữ liệu mở” để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển Kinh tế số, Xã hội số.

Hệ thống bản đồ nông nghiệp số Việt Nam sẽ đáp ứng được mục tiêu quản lý, cập nhật liên tục dữ liệu về thổ nhưỡng, thủy văn, nông lâm thủy sản tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Qua đó, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có đủ dữ liệu, số liệu cập nhật để hoạch định chiến lược, sách lược vĩ mô, gồm: hoạch định tìm kiếm thị trường, hoạch định chính sách quản lý, hoạch định vùng. Xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số…

Đặc biệt, 50% các thiết bị quan sát, giám sát sử dụng Công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp Dữ liệu số, sử dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT) để tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác