Quyết tâm thực hiện mục tiêu kép - Vừa chống dịch vừa phát triển thủy sản (14-06-2021)

Trước bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, ngành Nông nghiệp (trong đó có lĩnh vực Thủy sản) đã tiếp tục khẳng định là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế, góp phần cho đà tăng trưởng dương của Việt Nam. Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các giải pháp tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển thủy sản.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu kép - Vừa chống dịch vừa phát triển thủy sản
Ảnh minh họa

Kết quả sản xuất 6 tháng đầu năm: Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó: sản lượng khai thác thủy sản đạt 1,9 triệu tấn, tăng 1,5%; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2,1 triệu tấn, tăng 3,9%. So với chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, tổng sản lượng thủy sản đạt 46,7% (cùng kỳ 6 tháng năm 2020 đạt 44,7%); trong đó sản lượng khai thác đạt 49,6% (cùng kỳ đạt 47,5%), sản lượng nuôi trồng đạt 44,4% (cùng kỳ đạt 42,4%). Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 5 tháng đầu năm ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 38,1% kế hoạch năm 2021.

Chỉ đạo, điều hành, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2045; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1960/QĐ-BNN-TCTS ngày 06/5/2021 về Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg, Tổng cục Thủy sản đã triển khai xây dựng 03 chương trình và 08 đề án trình Thủ tướng Chính phủ. 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã hoàn thành và trình Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và Đề án phát triển ngành chế biến thủy hải sản.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản

Duy trì đà phát triển thủy sản, ngay từ các tháng cuối năm 2020 và các tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sản xuất, đồng thời tham mưu cho Bộ tổ chức “Lễ xuất khẩu lô hàng tôm đầu năm 2021” và “Hội nghị Quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp năm 2021”. Tiếp tục hỗ trợ các địa phương khôi phục sản xuất sau lũ lụt và kiểm tra công tác phòng chống thiên tai; tham mưu cho Bộ tổ chức đoàn công tác hỗ trợ các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi khắc phục sau lũ do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn.

Trước những kiến nghị của Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm đồng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm, Tổng cục Thủy sản đã thành lập Đoàn công tác để xác minh nguồn gốc cá tầm nhập khẩu làm thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền, thành phố Hồ Chí Minh và chợ đầu mối Yên Sở, thành phố Hà Nội. Phối hợp với Cục Chăn nuôi tham mưu cho Bộ tổ chức “Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới”.

Đối với việc cấp mã số các cơ sở nuôi trồng thủy sản: Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ việc đăng ký, cấp mã số nhận diện cho các cơ sở nuôi tôm (theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn) để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc.

6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các Viện nghiên cứu NTTS I, II, III chỉ đạo Trung tâm Khảo nghiệm Kiểm nghiệm Kiểm định NTTS triển khai quan trắc và giám sát môi trường định kỳ tại các vùng NTTS tập trung trên các đối tượng nuôi chủ lực (ngao, tôm nước lợ, tôm hùm, cá tra, cá rô phi) tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với 163 điểm quan trắc. Kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi góp phần phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo sản xuất.

Cụ thể, đã chuyển tải đến cơ quan quản lý trung ương, địa phương, vùng nuôi và cơ sở nuôi 66 bản tin trên tôm nước lợ, 29 bản tin cho cá tra, 14 bản tin trên nhuyễn thể, 31 bản tin trên cá lồng bè và cá rô phi, 22 bản tin trên tôm hùm; Ban hành các công văn chỉ đạo sản xuất, bản tin dự báo biến động môi trường, bản tin cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh trên tôm phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các Viện nghiên cứu NTTS I, II, III và các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn công tác đột xuất đến các vùng nuôi xảy ra hiện tượng thủy sản chết hàng loạt, tổ chức lấy mẫu xác định nguyên nhân, hướng dẫn chỉ đạo khôi phục sản xuất.

Đối với việc tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) về chương trình thanh tra cá da trơn: Ngày 19/3/2021, Tổng cục đã tham mưu Bộ tổ chức hội nghị chuẩn bị nội dung thanh tra trực tuyến FSIS của Hoa Kỳ. Ngày 29/4/2021 Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã họp trực tuyến về việc công bố kết quả Thanh tra từ ngày 05/4/2021 – 28/4/2021. Kết quả: Không phát hiện sai lỗi trong Hệ thống Quản lý An toàn thực phẩm và thực thi các quy định quản lý cá tra trong chuỗi sản xuất - chế biến - xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Khai thác thủy sản

Để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu trình Bộ ban hành Chỉ thị số 49/CT-BNN-TCTS ngày 06/01/2021 nhằm chỉ đạo các địa phương triển khai công tác quản lý người và phương tiện hoạt động thủy sản, đảm bảo an toàn cho tàu cá trong quá trình hoạt động trên biển, trong cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản của ngư dân, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC).

Tham mưu trình Bộ ban hành Quyết định số 1223/QĐ-BNN-TCTS ngày 23/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1481/QĐ-BNNTCTS ngày 02/5/2019 về việc giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đảm bảo phù hợp nhu cầu sản xuất; Từng bước kiểm soát cường lực khai thác, tiến tới giảm cường lực phù hợp với tình hình nguồn lợi thủy sản, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành (hiện có 25/28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện xong việc xác định hạn ngạch).

Đặc biệt, đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; Đảm bảo các chính sách tiếp tục được triển khai thuận lợi, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, ổn định sản xuất.

Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản

Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy đến năm 2020 và Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020; Xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường công tác quản lý khu bảo tồn biển; Tham mưu cho Bộ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc tổ chức Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Vịnh Bắc Bộ. Do tình hình dịch Covid-19 nên phía Việt Nam đã phát biểu ghi hình trước và phát tại buổi Lễ thả giống (tại cửa sông Bắc Luân, thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đã phê duyệt nội dung nhiệm vụ Lập dự án “Điều tra đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản vùng biển sâu Việt Nam”. Tổ chức Hội thảo Quốc gia góp ý kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản nội đồng. Đồng thời, tiến hành triển khai các quy định của Luật Bảo vệ thú biển của Hoa Kỳ ảnh hưởng đến nghề cá Việt Nam. Cụ thể là, Tổng cục Thủy sản đã báo cáo Bộ và tham mưu thành lập Tổ công tác quản lý và bảo tồn thú biển; dự thảo báo cáo để phía Hoa Kỳ đánh giá tương đương khi triển khai Luật Bảo vệ thú biển.

Lĩnh vực kiểm ngư

Đã chỉ đạo các Chi cục và Chi đội Kiểm ngư tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Kết quả là: Đã tổ chức 16 lượt tuần tra, kiểm soát; Quan sát 2.509 phương tiện nghề cá hoạt động trên biển; Tiến hành kiểm tra 514 phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ; Phát hiện và xử lý 149 tàu cá vi phạm (gồm tàu cá Việt Nam và tàu cá nước ngoài); Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chế độ chính sách cho Kiểm ngư viên và thuyên viên tàu Kiểm ngư; Phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ hoàn thành xây dựng Cơ sở huấn luyện Kiểm ngư Phú Quốc (thuộc Chi cục Kiểm ngư Vùng V).

Chỉ đạo chống khai thác IUU

Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân công Lãnh đạo Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo, ban hành Công văn gửi UBND các tỉnh và các Bộ, ngành về việc kiện toàn thành viên tham gia. Ban hành văn bản chỉ đạo hướng dẫn các địa phương tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Ban hành văn bản gửi các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bà Rịa Vũng tàu, Bình Định tăng cường giải pháp ngăn chặn các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài và công văn gửi UBND các tỉnh tăng cường xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị có liên quan, kiểm tra hồ sơ, dữ liệu quản lý tàu cá và thuyền viên tại địa phương để xác minh thông tin và xem xét xử lý các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo thẩm quyền; Cung cấp thông tin xác minh vụ việc tàu cá vi phạm cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao để bảo hộ công dân theo quy định. Định kỳ hàng tháng tổ chức họp bàn đánh giá kết quả và bàn giải pháp chống khai thác IUU.

Kết quả triển khai tại một số địa phương: UBND các tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo chính quyền các cấp, sở, ban ngành và các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo. Một số tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Luật Thủy sản 2017, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU năm 2021. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giám sát tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nhiều tỉnh có tàu cá lắp đặt VMS và có vị trí trên hệ thống giám sát tàu cá đạt tỉ lệ cao (trên 90%).

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác