Hiệp định UKVFTA: Các doanh nghiệp được phép tự chứng nhận xuất xứ đối với lô hàng dưới 6.000 Euro (14-06-2021)

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BCT về quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA). Theo đó, lô hàng có trị giá dưới 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ.
Hiệp định UKVFTA: Các doanh nghiệp được phép tự chứng nhận xuất xứ đối với lô hàng dưới 6.000 Euro
Ảnh minh họa

Cụ thể, Thông tư gồm 5 Chương, 42 Điều và 8 Phụ lục kèm theo, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến cách xác định xuất xứ hàng hóa và chứng nhận kiểm tra xuất xứ hàng hóa. Đối tượng áp dụng của thông tư là cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), thương nhân và các cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (XK) và nhập khẩu. Cụ thể, cơ chế chứng nhận xuất xứ trong UKVFTA nêu rõ việc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như với lô hàng có trị giá dưới 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, áp dụng cơ chế chứng nhận tự xuất xứ (C/O) do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.

Ngoài ra, đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có lô hàng có trị giá dưới 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Riêng lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của Vương quốc Anh (UK) mới được tự chứng nhận xuất xứ.

Việc xác minh chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện xác suất hoặc khi cơ quan thẩm quyền của nước thành viên nhập khẩu có thông tin nghi ngờ pháp lý về tính xác thực của chứng từ, xuất xứ của hàng hóa hoặc việc tuân thủ quy định khác của UKVFTA.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 26/7/2021.

Hiệp định UKVFTA được nhận định sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng loạt mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam vào thị trường Anh, trong đó có các mặt hàng thủy sản. Với cam kết có được từ Hiệp định UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) của Việt Nam vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các nhóm hàng có lợi thế sớm nhất trong nhóm thủy, hải sản là tôm và một số loại cá (cá tra). Theo đó, những ngành chế biến tôm và cá tra sẽ có cơ hội thúc đẩy kim ngạch XK cũng như có triển vọng thu hút đầu tư để tận dụng các cam kết này.

Mặt khác, với Hiệp định UKVFTA, Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar. Đây là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới. Ngoài ra, Việt Nam còn có thêm cơ hội mở rộng nguồn cung hàng hóa; mở rộng hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ.

Đối với lĩnh vực thủy sản, Anh hiện chiếm trên 4% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Có thể nói, cùng với Hiệp định EVFTA, hiệp định UKVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2021.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác